
Tạng thư sống chết do Sogyal Rinpoche biên soạn là một nỗ lực diễn bày tâm linh sâu sắc, dưới hình thức nêu bật cái chết để soi sáng ý nghĩa của sự sống. Tác giả là một tu sĩ Tây Tạng, được thừa hưởng các truyền thống thực nghiệm khá kì thú của Phật giáo Tây Tạng, lại từng sống và giảng dạy nhiều năm tại Âu-Mĩ nên hiểu rất rõ những khiếm khuyết căn bản của lối sống thực dụng theo đường lối văn minh phương Tây. Các vấn đề được bàn luận trong tập sách không quá xa lạ đối với những người am tường về đường lối thực nghiệm tâm linh Phật giáo, nhưng sách của Sogyal Rinpoche thực sự gây chú ý và cảm kích lớn cho nhiều độc giả phương Tây.
Bookcity xin trích dẫn một vài đoạn trong quyển sách Tạng Thư Sống Chết gửi đến bạn đọc.
1. Nhưng với phần đông chúng ta, nghiệp và những cảm xúc tiêu cực cứ ngăn che chúng ta không cho thấy bản chất nội tại tự nhiên của mình, và bản chất sự vật. Kết quả là ta bám lấy hạnh phúc và đau khổ, cho là thực có, và một cách ngu si ta cứ tiếp tục gieo hạt giống cho đời sau của ta. Những hành nghiệp cứ trói buộc chúng ta vào chu kì tiếp nối của sinh tử bất tận. Bởi thế, mọi sự đang bấp bênh, tùy thuộc cách ta sống hiện giờ, ngay giờ phút này. Ta đang sống như thế nào, bây giờ, có thể ảnh hưởng toàn bộ tương lai ta.
2. Chết là một phần tự nhiên của sự sống, mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu không sớm thì muộn. Theo tôi thì có hai cách để xử sự với cái chết trong khi ta còn sống. Hoặc là ta tảng lờ nó, hoặc là ta chạm trán với viễn ảnh cái chết của chính mình, và bằng cách tư duy sáng suốt về nó, ta cố giảm thiểu những khổ đau mà cái chết có thể mang lại. Tuy nhiên, trong cả hai cách, không cách nào chúng ta có thể thực thụ chinh phục được sự chết.
3. Nỗi đau buồn là một vết thương cần được chú ý để hàn gắn. Hàn gắn một nỗi đau buồn có nghĩa là đối mặt với nó một cách công khai, thẳng thắn, bộc lộ và phóng thích trọn vẹn nó, chấp nhận nó kéo dài bao lâu nó cần để cho vết thương lành lại. Thường ta cứ sợ rằng một khi công nhận nỗi đau buồn, chắc ta không thể nào chịu nổi. Sự thật thì nỗi đau khổ được bộc lộ ra sẽ có lúc đi đến kết thúc. Đau khổ mà không bộc lộ ra được thì cứ kéo dài bất tận.
4. - Bạn có tin có đời sau không?
Không phải hỏi họ có tin ở một lý thuyết triết học về đời sau không, mà hỏi họ có cảm thức niềm tin ấy một cách sâu xa trong tim họ không. Bậc thầy biết rằng nếu người ta tin có đời sau, thì toàn bộ nhân sinh quan của họ sẽ khác, họ sẽ ý thức rõ về trách nhiệm cá nhân và về đạo đức. Những gì các bậc thầy phải hoài nghi là, với những người không tin có đời sau, thì có nguy cơ là họ sẽ kiến tạo một xã hội chỉ nhắm đến những kết quả đoản kỳ, không cần suy nghĩ nhiều về hậu quả hành động. Phải chăng điều này có thể là lý do chính tại sao chúng ta đã tạo nên một thế giới tàn bạo như hiện nay, một thế giới ít có lòng bi mẫn thực sự?