Tử Thư Tây Tạng không chỉ là quyển sách nói về sự chết, mà còn là quyển sách giúp mọi người hiểu về sự sống và giải thoát. Sau đây, Bookcity xin trích dẫn một vài đoạn trong quyển sách gửi đến bạn đọc.
1. Cho nên dù quyển sách này có vẻ là viết cho người chết, nhưng thực tế nó được viết cho người sống. Bản thân đức phật không đề cập những gì xảy ra sau khi chết, bởi vì những vấn đề như vậy không mang lại lợi ích gì cho việc tìm kiếm thực tại tại hiện tiền. Nhưng giáo lí về tái sanh, sáu loại hiện hữu và trạng thái trung ấm (bardo) giữa chúng ám chỉ rất nhiều đến cuộc đời này, cho dù chúng có được áp dụng sau khi chết hay không. Người ta thường nhấn mạnh rằng mục đích việc đọc Bardo Thotrol cho người chết là để nhắc nhở họ nhớ những gì mà họ đã tu tập khi còn sống. Vì thế Quyển sách cho người chết (Tử thư) này có thể chỉ cho chúng ta thấy là chúng ta phải sống như thế nào.
2. Dường như có một vấn đề cơ bản khi chúng ta đề cập tới đề tài Tử thư Tây Tạng. Nếu như tiếp cận nó bằng cách so sánh với Tử thư Ai-cập theo quan điểm thần thoại và hiểu biết về người chết thì chúng ta sẽ bỏ sót một điểm mấu chốt, đó là quy luật cơ bản của sự chết và sanh được tái diễn liên tục trong cuộc sống này. Do đó, chúng ta có thể coi bộ giáo huấn này như là "Sách tái sanh của người Tây Tạng". Cuốn sách này không căn cứ cái chết theo nghĩa đen, mà nó được đặt trên một quan niệm hoàn toàn khác biệt về cái chết. Nó là một "Quyển sách về chân không". Chân không chứa đựng cả cái chết lẫn cái sanh; hư không tạo lập hoàn cảnh để chúng ta đối đãi, hít thở và hành động, nó là môi trường cơ bản cung cấp nguồn cảm hứng cho bộ sách này."
3. Phật giáo tìm kiếm nguyên nhân căn bản của tội lỗi và khổ đau, và khám phá điều này chính là niềm tin vào một tự ngã hay cái tôi như là trung tâm của hiện hữu. Niềm tin này không phải bắt nguồn từ cái ác bẩm sinh mà bằng sự mê lầm, hay vô minh về bản tánh đích thực của hiện hữu. Từ khi chúng ta trải qua toàn bộ cuộc sống từ quan điểm quy kết sai lầm này, chúng ta không thể biết về thế giới này như nó thực sự là. Biện pháp khắc phục là nhìn xuyên qua giả tướng để đạt đến tuệ giác tánh không. Tính sáng (quang minh) không thể tách rời khỏi tánh không - sự hiện diện của những gì thực hữu, nền tảng căn bản mà ở đó tấn tuồng đời sống diễn ra.
...Giáo lí cơ bản của cuốn sách này là nhận diện được các phỏng tưởng (projection) của bản thân, và sự tan biến của ý thức về tự ngã vào ánh sáng của thực tại.
4. Điều cốt lõi của giáo lý trong sách này là nhận diện được các phóng tưởng của mình và sự tan biến của ý thức về tự ngã vào ánh sáng của thực tại. Ngay khi điều này được thực hiện thì năm yếu tố tâm lý này của tâm thay vì lầm lạc hay mê muội sẽ trở thành nhân tố cho sự giác ngộ. Chúng được chuyển hóa thành những hình thức thanh tịnh hay siêu việt, các hình thức này hiện diện trong suốt năm ngày đầu tiên của bardo Pháp tánh (bardo of dharmata)