1. Happy Schools – Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Happy schools là phần mở rộng đặc biệt của cuốn sách Happy Children (cùng tác giả), qua cuốn sách này, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ và đội ngũ mong muốn mang đến cho các bậc phụ huynh, giáo viên và những nhà hoạch định chính sách giáo dục cùng nghiên cứu về giáo dục những phương án trong khuôn khổ Dự án Trường học Hạnh Phúc, mang đến cho những ai quan tâm đến sự an lạc của trẻ em và thanh thiếu niên một sự động viên, khích lệ thật sự cần thiết trong nỗ lực cải thiện hệ thống giáo dục toàn cầu và cung cấp những hướng dẫn hữu ích, có thể ứng dụng được trong nhà trường.
“Happy schools” của GS Hà Vĩnh Thọ đã phác hoạ những “đường nét” của một trường học hạnh phúc, bắt đầu với những mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường và tâm thế tích cực của người thầy, cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, trang bị những thực hành và kỹ năng giúp giáo viên an lạc, và rồi kiến tạo một môi trường học tập an toàn, thân thiện, ấm áp, nuôi dưỡng sự an lạc, tính kiên cường và trí tò mò ở học sinh.
Cuốn sách giúp giáo viên nhìn thấu suốt những cấu trúc và quy định giáo dục đã chi phối tâm trí ta, và giúp ta khám phá điều cốt lõi của việc cải thiện chất lượng giáo dục, đó là:
Năng lực lắng nghe và hình dung, khơi mở quan điểm và đồng kiến tạo định nghĩa về thành công cũng như cách chúng ta nhìn nhận nó;
Khả năng học hỏi và thiết kế, mang lại sự tò mò và tư duy phản biện, coi trọng quyền tự chủ của người học và hướng đến năng lực tư duy cao;
Định hướng nuôi dưỡng tình thương và sự kết nối, xây dựng các mối quan hệ, nuôi dưỡng cảm thức thuộc về, dung dưỡng văn hóa và tính nhân văn;
Sự sẵn lòng phản tư và học hỏi, đặt xuống những điều đã biết và học hỏi điều mới ở tất cả các cấp độ trong hệ thống giáo dục.
Với thông điệp từ cuốn sách Happy School – Thầy cô là cha mẹ, trường học là nhà, mong rằng mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày hạnh phúc trọn vẹn đối với các học sinh.
2. Happy Children - Hiểu Về Sự Phát Triển Của Trẻ Để Nuôi Dạy Con An Lạc Và Hạnh Phúc
Sự chào đời là một sự kiện bí ẩn và đầy nghịch lý. Một mặt, sinh tử là trải nghiệm phổ quát nhất được chia sẻ bởi tất cả chúng sinh. Mặt khác, mỗi sự chào đời lại là một điều kỳ diệu, một sự kiện duy nhất thay đổi mãi mãi cuộc đời của rất nhiều người. Đó cũng là một sự kiện cuộc đời mà chúng ta chỉ biết qua lời kể của mọi người vì thường thì không ai có thể nhớ được gì về thời điểm quan trọng này, khi bản thân lần đầu tiên có mặt trên đời, trong hình hài của một con người.
Hạnh phúc biết bao khi một đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, và cũng thật lo lắng biết bao khi đón một đứa trẻ gặp khó khăn hoặc bệnh tật ra đời. Là cha mẹ, chúng ta rất dễ bị tổn thương và tình yêu của chúng ta chính là nguồn gốc của sự lo lắng. Khoảnh khắc chào đời này chỉ là khởi đầu của một hành trình dài sẽ tiếp tục trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với con cái mình và đó là lý do tôi viết cuốn sách, với hy vọng nó sẽ phần nào hỗ trợ các bậc cha mẹ một số hiểu biết về trẻ em, sự phát triển, nhu cầu của chúng và bằng cách chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc nuôi dạy trẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục.
Ba khía cạnh phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển khi chúng ta cố gắng tìm hiểu một đứa trẻ, có một số yếu tố tương tác theo những cách phức tạp:
– Đầu tiên là yếu tố di truyền. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng nhưng, không giống như động vật, chỉ hiểu về yếu tố di truyền thì không đủ để hiểu sự phát triển và hành vi của con người.
– Yếu tố quan trọng thứ hai là môi trường, bắt đầu với gia đình, bạn bè và kế đến là xã hội nói chung.
– Nhưng cũng có một chiều thứ ba khá bí ẩn, đó là chính bản thân đứa trẻ.
Là cha mẹ, nếu ai có nhiều hơn một đứa con, chúng ta sẽ biết rất rõ rằng trải nghiệm sinh nở mỗi lần đều khác nhau và mỗi đứa trẻ sẽ là một cá thể duy nhất. Mặc dù hai đứa trẻ có cùng cha mẹ, lớn lên trong cùng một gia đình, cùng khu phố, học cùng trường và chơi với cùng bạn bè nhưng chúng có thể trở nên rất khác nhau, mỗi đứa có một tính cách khác biệt, có những thị hiếu, sở thích, tài năng riêng và có thể có nhiều điểm khác nhau khi lớn lên. Chúng ta phải nhận định rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất. Mỗi người được sinh ra với những thôi thúc riêng, ý định riêng, số phận riêng. Và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Chúng ta không ở đây để quyết định đứa trẻ nên trở thành người như thế nào. Chúng ta ở đây để tạo điều kiện tốt nhất có thể giúp đứa trẻ dần dần tìm thấy sứ mệnh và số phận của chính mình.