Tác giả : Tỳ Kheo Thích Nguyên Chơn
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Năm xuất bản: 2024
Số trang: 521
Nhà phát hành: Cửu Đức
Nhà xuất bản: Phụ Nữ Việt Nam
Kích thước: 16 x 24 cm
Loại bìa: Bìa cứng
Kinh Kim Quang Minh - Kinh Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh
Thay lời tựa
Kính lễ đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni!
Kính lễ các vị Đại Bồ-tát, các Hiền thánh tăng trong mười phương!
Kính lễ các vị Thiện tri thức!
Đối với yếu chỉ trong kinh điển Đại thừa, thật không có chỗ cho con mở miệng hay đặt bút, bởi kinh nói như thế mà ý chẳng phải thế, lời như vậy mà nghĩa chẳng như vậy, chỉ có thể dùng tám chữ chẳng thể nghĩ suy, chẳng thể luận bàn để bày tỏ và cúi đầu đảnh lễ, tuân phụng hành trì mà thôi! Nhưng muốn cho người đọc nhận biết đúng nghĩa kinh, ý Phật nên con mượn ngôn từ chư Tổ để thay cho lời TỰA.
Như trong bộ Kim quang minh huyền nghĩa, đại sư Thiên Thai Trí Giả ghi:
"Kinh Kim quang minh sâu xa vô lượng, hư không còn chẳng cao rộng bằng, thì dùng trọng lượng của Tu-di và số lượng giọt nước biển lớn có thể so biết giới hạn sao? Như ánh sáng mặt trời chói rực, trẻ con không thể nhìn vào; đài cao trên thuyền lớn, người mẹ vừa sanh con đâu đủ sức đảm đương. Hành xứ của chư Phật thanh tịnh hơn cả hạnh tu của Bồ-tát, thì tâm khẩu của Nhị thừa đâu thể nào nghĩ suy, diễn đạt! Còn hàng phàm phu, nếu muốn nói thì sẽ làm tổn thương chân tánh; muốn im lặng thì phạm sai lầm. Nói hay im lặng đều không thể. Vì muốn dùng lời để diễn đạt cũng không được, cho nên trong kinh Đại Niết-bàn, Phạm Chí nói: "Vì không thể nội quán cho nên chứng Bồ-đề, vì không thể ngoại quán cho nên chứng Bồ-đề, vì chẳng thể nội ngoại quán cho nên chứng Bồ-đề. Kinh cho rằng đối với bồ-đề thì chẳng thể dùng tâm suy nghĩ, dùng lời luận bàn. Lại nói: "Sanh sanh chẳng thể nghĩ bàn, sanh bất sanh chẳng thể nghĩ bàn, bất sanh sanh chẳng thể nghĩ bàn, bất sanh bất sanh chẳng thể nghĩ bàn; nhưng vì có nhân duyên, nên cũng có thể nghĩ bàn".
Nay kinh này lấy Kim (vàng) làm tên gọi đứng đầu trong các kinh; lấy pháp tánh làm thể, thì sở nhập của Phật trang nghiêm; lấy công đức sâu mầu của Bồ-tát làm tông; lấy việc chiếu soi chư thiên khiến sanh tâm hoan hỉ làm dụng; đã gọi là Kinh vương, thì giáo gồm thâu các kinh khác. Có thể biết, kinh này lấy vật báu làm tên, lấy quả cùng tột làm thể, lấy công đức sâu xa làm tông, lấy đại làm dụng, lấy vương làm giáo, từ thể Bất nhị mà chia bốn phần. Kinh này được Phật Thế Tôn bảo vệ, chư Phật trong mười phương ba đời cũng thế; tất cả các Bồ-tát khắp nơi kính lễ, thọ phần thiện nữ tuôn lệ mà tán dương; chư thiên dùng uy trời che chở, địa kì dùng chất màu mỡ để tưới nhuần; lại thêm Đại Biện giúp cho tài biện, Công Đức ban cho tài bảo, khiến các cõi hết khô cằn, ba đường tiêu nóng bức.
Tóm lại tất cả những việc xưa nay chưa từng xuất hiện ở thế gian, thì nay đã xuất hiện. Vì thế người giảng nói kinh này, Kim Long tôn chủ ba đời ca ngợi, Địa thần phát nguyện độ trì. Thánh chúa đã như thế , huống gì thứ dân mà muốn bỏ đạo này sao? Thật muốn nương vào nghĩa này để luận thật ý kinh, mong vài giọt sương rơi vào biển cả, đồng thành vị mặn; tất cả chim chóc trở về rừng sâu, đều biến một sắc màu".
Lại nữa, Từ Giác Đại Sư luận về kinh này như sau:
"Linh tâm bặt đối đãi, dứt sạch muôn vật mà độc tồn; diệu hạnh khó nghĩ bàn, luôn tùy duyên mà hiện khắp. Đó chính là: chân như pháp tánh chẳng dính mảy trần, trong sự tướng môn không bỏ một pháp. Cho nên, Như Lai xuất thế thuyết kinh Kim quang minh, dạy nương tâm thanh tịnh để lập hạnh giải thoát. Ngài bày ra kinh điển xuất trần, muốn vĩnh viễn quét sạch mê tình; chỉ cho kho tàng bảo vương, mong chóng thành tựu trọn vẹn đại dụng.
Phàm định bồ-tát Tín Tường làm người khởi giáo, tức nêu bồ-tát chẳng kẹt nơi hạnh Không, thì hiển pháp thân chẳng thể cầu nơi hữu tướng. Tánh tướng dung thông, hữu vô đồng lập, đó là yếu nghĩa của kinh này. Đến như nói về bản nguyên pháp tánh chư Phật. là để định nguồn thọ lượng của Như Lai; ánh sáng chiếu khắp tam thiên, tức phát dương môn Nhất thiết trí; trống vàng xuất âm, là hiển thị vô biên diệu dụng; đây chính là gốc khởi hạnh của Bồ-tát.
Sám trừ tội chướng vốn là pháp môn như mộng, ca ngợi Như Lai là nêu diệu quả tu hành. Ma-ha Tát-đỏa thí thân cho hổ đói, thật là khéo xả khéo tu; trưởng giả Lưu Thủy cứu đàn cá, thật có chung có thỉ, đây tức là hạnh nương chân tánh của Bồ-tát vậy. Thí như mặt trăng treo trên hư không, bóng trăng chìm trong vô số dòng nước; vàng ròng tạo thành vật dụng, thể chỉ có một mà tướng trạng có muôn ngàn. Thật là chủ bạn viên dung, nhất đa tự tại. Nếu có thể nơi một pháp mà thọ nhận tất cả pháp, thì mới tin bí tạng của Như Lai thật là xe báu cho ba cõi, là môn trang nghiêm tánh hải, là nền tảng hướng đến Giác vương. Vì thế mười ngàn vị trời nghe kinh này, liền đốn chứng Bồ-đề; chúng sanh nào thể nhập đều đồng được một vị cam lộ. Thế thì, thấy nghe tùy hỉ, đọc tụng thọ trì, nơi một niệm thấu suốt được pháp môn Vô thượng, mà cho là duyên nhỏ sao? Kính xin pháp lữ tư duy kĩ ý Phật".
Trong bộ Kim quang minh kinh sở, ngài Cát Tạng cũng đã nói:
"Pháp thân rỗng lặng mà thọ mạng có ngắn dài, bậc Chí nhân bặt nghĩ suy nhưng có cảm ứng liền. Bởi đấng Đại Giác lập phương tiện tùy cơ duyên thuyết pháp, nên có việc bốn Phật hiện nơi thất, luận yếu chỉ thường trụ, Bồ-tát cảm mộng lành chỉ bày pháp sám hối. Nhân chỉ có hai thiện mà tổng gom muôn hạnh, quả đạt đến bồ-đề mà thọ lượng sánh hư không. Vì thế hàng bồ-tát Thập địa tu theo lí này, bốn vị thiên vương đồng ca ngợi và bảo vệ. Lại nửa, y kinh giảng thuyết chướng nạn tiêu trừ, nương pháp nguyện cầu phước lạc tùy tâm. Cho nên kinh này lấy chánh pháp trung đạo làm thể, ba điểm-bốn đức làm tông vậy.
Nếu phiên đầy đủ theo âm tiếng Phạn, thì tên bộ kinh này là Phật-đà bàn-già tu-bạt-na-bà-la-bà-tu tu-đa-la. Trong đó, Phật-đà, Trung Quốc dịch là Giác, bàn-già là thuyết, tu-bạt-na-bà-la-bà-tu là Kim quang minh, tu-đa-la gồm năm nghĩa, nhưng ở đây chọn lấy nghĩa Kinh. Kinh nghĩa là pháp, là thường, là do; vì thế nên gọi là Kinh thuyết kim quang minh, hay kinh Kim quang minh.
Kinh này xếp vào tạng Đại thừa bồ-tát, thuộc về Đốn giáo. Nếu nói đến chỗ cùng tột, thì kinh này trình bày ba loại ba pháp: 1, ba thân quả Phật; 2, ba đức niết-bàn; 3, ba loại Phật tánh. Trong đó thể của vàng (Kim) là chân thật dụ cho pháp thân, dụng của ánh sáng (quang) là chiếu soi dụ cho Ứng thân, sự sáng (minh) làm lợi ích cùng khắp dụ cho Hóa thân.
Bốn đặc tánh từ thể của vàng (Kim) dụ cho bốn đức của Pháp thân: 1, màu sắc không biến đổi tức là thường; 2, không nhiễm ô tức là tịnh; 3, tùy ý chuyển đổi tạo các vật dụng một cách vô ngại tức là ngã; 4, làm cho người trở nên giàu có tức là lạc. Hai đặc tánh của ánh sánh (quang) là năng chiếu và năng trừ dụ cho bát-nhã; hai đặc tánh của sự sáng (minh) là không tối tăm và rộng xa dụ cho giải thoát, không còn các nỗi lo sợ.
Thể của vàng (Kim) vốn có dụ cho Chánh nhân trước khi ngộ đạo; dụng ánh sáng (quang) mới có dụ cho Liễu nhân trong lúc chứng đạo; sáng (minh) thì không tối dụ cho cực quả sau khi chứng đạo.
Vì dùng ba đặc tánh của vàng dụ cho ba loại ba pháp, nên gọi là Kim quang minh".
Trên đây là ba đoạn Huyền nghĩa của ba Đại sư đại biểu cho ba tông: Thiên Thai, Thiền Tịnh, Tam Luận, nội dung bàn về chỗ cùng tột của kinh Kim quang minh. Kính xin quý hành giả để tâm tìm đọc.
Mùa An cư năm Kỉ Sửu
Nguyên Chơn kính thuật