Tác giả: Nguyễn Đức Hiệp
Kích thước: 16 x 24 cm
Nhà xuất bản: Tổng hợp TP.HCM
Hình thức bìa: Bìa mềm
Số trang: 288
-------------------
Lịch Sử Sân Khấu Kịch Và Điện Ảnh Việt Nam
Sân khấu kịch nghệ Việt Nam đã trải qua một bước tiến dài trong gần 100 năm qua, tù lúc khởi đầu ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ vào đầu thập niên 1920 cho đến ngày nay. Ảnh hưởng của kịch nói Tây phương ban đầu qua các vở kịch cổ điển sau đến các vở kịch phản ảnh cuộc sống và hoàn cảnh ở Việt Nam. Các nhà soạn kịch và diễn viên ở thời kỳ đầu đều là những người theo Tây học như Jacques Lê Văn Đức, Vũ Đình Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Thế Lữ. Thập niên 1930 chứng kiến sự phát triển của kịch đến với quần chúng ở các thành phố như Sài Gòn, Hà Nội với đa số khán giả là thành phần trung lưu ảnh hưởng Tây học. Lúc này sân khấu cải lương và sân khấu chèo hay hát bội vẫn còn thu hút các khán giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Kịch được giới thanh niên và Tây học thưởng lãm rồi dần dần càng phổ thông cạnh tranh với sân khấu hát bội, chèo truyền thống và sân khấu cải lương.
Cũng như sân khấu kịch, nghệ thuật điện ảnh Việt Nam đã có lịch sử lâu dài từ cuốn phim đầu tiên Kim Vân Kiều (1923). Điện ảnh Việt Nam đã phản ảnh được tiến trình xã hội thay đổi qua thăng trầm lịch sử. Qua điện ảnh, ta có thể hiểu thêm được về đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa trên các miền đất nước qua các giai đoạn lịch sử, từ sự hình thành và phát triển trong thời thuộc Pháp, thời đất nước chia đôi, thời kỳ đất nước thống nhất cho đến giai đoạn đổi mới và ngày nay.
Từ thập niên 1990 cho đến năm 2010 là một sự nhảy vọt của điện ảnh Việt Nam với nhiều đạo diễn thế hệ trẻ trong và ngoài nước với các phim giàu tính nhân văn và nghệ thuật như các phim Ngọc trong đá (1991), Mùi đu đủ xanh (1993), Thương nhớ đồng quê (1996), Ba mùa (1998), Đời cát (1999) và tiếp theo là các phim Bến không chồng (2000), Mùa ổi (2001), Mùa len trâu (2004), Trăng nơi đáy giếng (2008). Các phim thực hiện trong giai đoạn này với các đạo diễn người Việt trong và ngoài nước đã làm cho điện ảnh Việt Nam nhận được sự chú ý và đánh giá cao.
Trích dẫn sách Lịch Sử Sân Khấu Kịch Và Điện Ảnh Việt Nam
"Sự phát triển sân khấu nghệ thuật cải lương, kịch và điện ảnh cũng như âm nhạc có liên hệ mật thiết với nhau ở giai đoạn đầu và phát triển trong thế kỷ 20. Nhiều nghệ sĩ và soạn giả vừa hoạt động trên sân khấu cải lương và cũng tham gia đóng kịch, đóng phim và hát tân nhạc. Sự hình thành và phát triển của sân khấu hát lương từ hát bội và đờn ca tài tử truyền thống đã được nghiên cứu, trình bày và xuất bản trong các năm qua.
Quyển sách “Lịch sử sân khấu kịch và điện ảnh Việt Nam” ra đời với mục đích giới thiệu sự hình thành và phát triển của sân khấu kịch nghệ và điện ảnh vào đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 2010 chủ yếu ở Nam Bộ. Mặc dù chỉ giới hạn trong khoảng thời gian và không gian này nhưng chúng tôi cũng đề cập đến không gian rộng hơn trên toàn Việt Nam khi có sự tương tác và ảnh hưởng của các hình thái nghệ thuật trên ở các miền trước khi đất nước thống nhất. Phần tân nhạc, một lãnh vực âm nhạc có sự liên hệ nhiều đến nghệ thuật kịch và điện ảnh, chúng tôi sẽ viết trong một cuốn sách riêng về sự hình thành và phát triển tân nhạc Việt Nam vì lãnh vực này rất lớn và đa dạng."
(trích Lời nói đầu)