Tác giả: Neil Macgregor
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Năm xuất bản: 2024
Số trang: 720
Nhà phát hành: Omega Plus
Nhà xuất bản Tri Thức
Kích thước: 24 x 16 x 3.6 cm
Hình thức: Bìa Mềm
Lịch Sử Thế Giới Qua 100 Hiện Vật
“Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” được viết bởi Neil MacGregor - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh (2003-2009) giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của loài người bằng một góc nhìn mới lạ, đó là qua việc kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, độc đáo xoay quanh các hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Anh.
Bảo tàng Anh được thành lập năm 1753 với định hướng là “nhắm tới giá trị phổ quát” và mở cửa tự do cho tất cả. Nơi đây đã có thâm niên hơn 250 năm sưu tầm hiện vật từ khắp thế giới, với gần 8.000.000 hiện vật được cất giữ và trưng bày tại đây, là các tác phẩm nghệ thuật vô giá và những báu vật của mọi nền văn minh của nhân loại trên thế giới – Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa…
Cuốn sách này là bản ghi chép từ chương trình trên đài BBC Radio 4, được phát thanh vào năm 2010, như một hoạt động đổi mới liên tục của Bảo tàng, mang lại cho Bảo tàng Anh giải thưởng “Bảo tàng của năm” (Art Fund Prize 2011).
Bảo tàng và đài BBC đã chọn ra 100 hiện vật từ bộ sưu tập của Bảo tàng Anh và sắp xếp theo niên đại từ khởi nguồn lịch sử nhân loại vào khoảng hai triệu năm trước cho đến tận ngày nay. Những hiện vật đó bao quát toàn bộ thế giới, phân bố đều hết mức có thể, cố gắng đề cập đến càng nhiều khía cạnh thực tiễn trong trải nghiệm của nhân loại càng tốt, và kể cho chúng ta nghe về muôn mặt đời sống xã hội, chứ không chỉ về giới giàu sang quyền quý trong lòng nó. Bởi thế, số hiện vật này tất yếu bao gồm cả những món đồ giản dị trong đời sống thường nhật lẫn những công trình nghệ thuật kỳ vĩ.
Một số hiện vật như: một công cụ chặt 2 triệu năm tuổi, một chiếc áo choàng bằng vàng của xứ Wales, tàu chiến cơ khí, tượng Phật ở Pakistan hay chiếc đồng hồ hàng hải trên tàu HMS Beagle.
Cuốn sách gồm 20 phần, mỗi phần 5 chương, mỗi chương tương ứng với 1 hiện vật. Vì mỗi tuần có năm số phát sóng, nên sách được trình bày nhóm năm hiện vật lại thành một mục, xoay quanh những địa điểm khác nhau trên địa cầu vào cùng thời điểm và quan sát năm lát cắt của thế giới thông qua các hiện vật ở niên đại cụ thể đó.
Mỗi hiện vật được nêu ra trong cuốn sách đều đi kèm hình minh họa sống động. Phần phụ lục của cuốn sách cũng cung cấp thông tin về địa điểm tìm ra các hiện vật (có bản đồ đi kèm), kích thước hiện vật, và loạt 16 tranh in màu ở cuối sách về một số hiện vật nổi bật.
Khác với nhiều cuốn sách lịch sử thường thức khác, “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” không tập trung vào các sự kiện “ồn ào” trong tiến trình phát triển của loài người, mà sử dụng các hiện vật để kể chuyện về cuộc sống thường nhật và những thay đổi lớn đã xảy ra kể từ khi con người bắt đầu sử dụng công cụ. Đồng thời, qua “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật”, tác giả mang đến sức sống mới cho nhiều nền văn minh trên thế giới mà đến nay tàn tích của chúng còn lại không nhiều, chẳng hạn như nền văn minh Moche - một nền văn minh phát triển ở Peru từ năm 200 TCN đến năm 650 nhưng giờ đây không còn lại gì ngoài các di tích khảo cổ.
Ngoài ra, cuốn sách cũng mở rộng nội dung, hướng đến giai đoạn toàn cầu hóa với những hiện vật thể hiện sự phát triển thần tốc của xã hội loài người thời hiện đại như thẻ tín dụng hay đèn năng lượng mặt trời.
“Tận mục sở thị” những gì mà các nền văn minh kim cổ để lại, độc giả của cuốn sách sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người từ thuở sơ khai đến thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đây chỉ có thể là “một” lịch sử về thế giới, nhưng nó cố gắng tạo nên câu chuyện lịch sử mà cả thế giới đã tham gia trong chừng mực nào đó.