Tác giả: Edward Conze
Dịch giả: Nguyễn Minh Tiến
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Năm xuất bản: 2016
Số trang: 349
Nhà phát hành: Hương Trang
Nhà xuất bản: Tôn Giáo
Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
Loại bìa: bìa mềm
Lược Sử Phật Giáo - Edward Conze
Đây là một tác phẩm biên khảo ra đời khá sớm của cố học giả người Đức Edward Conze. Mặc dù vậy, cho đến nay tập sách vẫn giữ được nhiều tính chất đặc biệt mà các tác phẩm ra đời về sau này chưa thể vượt qua được. Một trong các đặc điểm đó chính là tính khái quát và khách quan của người biên soạn.
Mặc dù bản thân là một Phật tử, Conze vẫn luôn giữ được khoảng cách khách quan cần thiết khi trình bày các vấn đề về lịch sử Phật giáo. Hơn thế nữa, ngay khi đề cập đến các bộ phái khác nhau, ông cũng không bao giờ để cho ngòi bút của mình nghiêng về theo những khuynh hướng tư tưởng mà mình đã chọn. Và đây chính là yếu tố đã tạo được sự tin cậy cần thiết cho một tác phẩm có tính cách sử học như thế này.
Conze cũng tạo được cho tập sách của mình một cấu trúc rất chặt chẽ. Mặc dù với những sự kiện khá dày đặc diễn ra trong hơn 2.500 năm mà chỉ với không đầy 150 trang sách (Anh ngữ), ông đã không làm cho người đọc phải choáng ngợp bởi sự dồn dập của chúng. Bằng một sự liên kết khéo léo, ông đã trình bày tất cả theo một cách khái quát nhất mà vẫn bao hàm được những chi tiết cốt lõi cần thiết nhất.
Nhưng lịch sử phát triển của một tôn giáo, nhất là khi tôn giáo ấy là Phật giáo, không thể chỉ bao gồm những sự kiện, mà điều cần thiết và thậm chí còn quan trọng hơn nữa chính là các khuynh hướng tư tưởng với sự hình thành và phát triển của chúng. Và việc trình bày ngắn gọn những vấn đề vô cùng phức tạp, đa dạng và đôi khi rất trừu tượng này thật không dễ dàng chút nào. Người viết nếu không nắm vững tất cả mọi vấn đề và tuân theo một phương pháp trình bày hết sức khoa học, thì chắc chắn sẽ không tránh được sự lạc lối trong khu rừng tư tưởng đầy bí ẩn của Phật giáo. Conze đã làm được điều khó làm, và thậm chí còn làm rất tốt, khi ông giới thiệu hầu như tất cả những khuynh hướng tư tưởng lớn khác nhau trong Phật giáo, và nêu lên được sự khác biệt cơ bản nhất của chúng.
Chỉ với tác phẩm này, Conze đã hoàn toàn xứng đáng được xếp vào một trong những người có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo sang phương Tây. Nhưng ngoài ra, cùng với bậc tiền bối Daisetz Teitaro Suzuki, ông còn góp phần quan trọng hơn nữa trong việc trình bày những tư tưởng Đại thừa, nhất là Thiền tông, theo cách mà người phương Tây có thể tiếp nhận được.
Với những thông tin khái quát và chuẩn mực, sách này là tài liệu tham khảo quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử phát triển của Phật giáo trong suốt 25 thế kỷ qua.
Hình thức trình bày song ngữ Anh-Việt sẽ giúp người đọc dễ dàng đối chiếu nguyên tác một cách dễ dàng, đồng thời cũng có thể sử dụng để trau dồi khả năng đọc hiểu tiếng Anh, nhất là đối với các thuật ngữ trong Phật học.