Nhà xuất bản: Văn hóa - Văn nghệ;
Kích thước: 13 x 20.5cm;
Tác giả: Nguyễn Tường Bách;
Số trang: 476.
Loại bìa: Bìa mềm.
-------------------
Mùi hương trầm
Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng vốn được biết đến là ba trung tâm Phật giáo lớn nhất trên thế giới. Nếu Ấn độ là cái nôi của Phật giáo, Trung Quốc là nơi đưa Phật giáo đại thừa phát triển đến mức cực thịnh thì Tây Tạng – xứ sở huyền bí – lại là nơi mà Phật giáo có những bước phát triển đến mức siêu việt.
Là một tín đồ Phật giáo và như một cái duyên tiền định, “Mùi hương trầm” ra đời, ghi lại những kiến thức, chiêm nghiệm của chính tác giả sau một hành trình tâm linh.
Ấn Độ là đất nước của những điều kỳ lạ và của những mâu thuẫn. Rất khó để thâm cận và hiểu được họ, bởi “đối với thú vật thì họ gần gũi mà đối với con người thì họ xa cách”. Có dịp tiếp xúc nhiều với người Ấn Độ, đặc biệt tìm hiểu đạo Phật và nguồn cội của tôn giáo này, tác giả Nguyễn Tường Bách không thôi khâm phục về bề dày lịch sử của đất nước này. Nguyễn Tường Bách đi dọc sông Hằng, qua Hoa Thị Thành đến vườn Lộc Uyển, qua rừng Sala tại Câu Thi Na rồi đến Lâm Tì Ni, chứng kiến những hoang tàn đổ nát trên các phế tích, ông không khỏi ngậm ngùi trước những đổi thay của thời cuộc.
Đến Trung Quốc, xứ sở của Bồ Tát, tác giả hòa mình vào đất nước của những thứ lớn lao. Ông đi trọn một vòng từ Vạn Lý Trường Thành đến Linh Quang tự, đến Ung Hòa cung, thăm Bình Thành và động Vân Cương, qua Hằng Sơn đến Quang Minh đỉnh. Ông cũng đến thăm Ngũ Đài Sơn, đến Tứ Xuyên bồi hồi thăm lại chiến tích nước Thục xa xưa, hay lên Nga mi sơn, Lạc sơn thăm 108 ngọn tháp cùng với tượng Phật nhập Niết bàn dài 45 mét, cao 12,5 mét. Đến Trường Giang tam hiệp, ông nhớ một thời của Tam Quốc Chí. Và ông cũng không bỏ qua Cửu Hoa Sơn, Cảnh Đức Trấn, Hàng Châu, Cô Tô, Ninh Ba hay Phổ Đà Sơn. Xuyên suốt những địa danh này là nỗi niềm của một tín đồ khi được khám phá, chiệm nghiệm một vùng đất mênh mông với vô vàn kỳ quan Phật giáo.
Tây Tạng – vùng đất thiêng liêng – là điểm cuối trong hành trình tâm linh của tác giả. Vào thế kỷ 7, trong lúc Phật giáo tại Trung Quốc đã đạt đến thời đại hoàng kim thì ở Tây Tạng, Phật giáo mới bắt đầu được truyền vào. Ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những kiếp nạn của đạo Phật, để thấu hiểu những trầm luân của đạo pháp này. Càng đi, càng nhìn, ông càng tiếc nuối khi “cả nước Tây Tạng đang từng ngày đánh mất quá khứ của mình, trở thành một “khu tự trị” vô danh”, “tiếc thương một nền văn minh thật sự độc đáo đang suy tàn”. Đối với ông, nếu nền văn minh Tây Tạng chết đi thì có nghĩa là Phật giáo đang suy tàn trên toàn thế giới.