Tác giả: David J. Kalupahana
Người dịch : Thích Khai Pháp
Hiệu chú: Thích Hạnh Nguyên
Năm xuất bản : 2025
Số trang : 432
Nhà xuất bản : Phụ Nữ Việt Nam
Loại bìa : Bìa cứng
Kích thước: 14 x 20.5 cm
Pháp Duyên Khởi: Trọng Điểm Triết Học Phật Giáo
LỜI DỊCH GIẢ
Như chúng ta đã biết, trong suốt hơn 45 năm hoằng dương Chánh Pháp, Đức Thế Tôn đã tuỳ theo căn cơ mỗi chúng sanh mà tuyên thuyết các giáo nghĩa đạo lý khác nhau gọi là “khế cơ, khế lý”. Tuy nhiên có thể tựu trung lại một điều cốt yếu rằng, giáo nghĩa tuy sâu rộng nhưng không ngoài 37 phẩm trợ đạo, và lấy pháp Duyên Khởi làm trọng tâm để diễn giải cho các nguyên lý vận hành của sự vật hiện tượng từ vật chất đến tâm thức chúng sanh.
Theo bản kinh Đại duyên (Mahānidāna sutta) Đức Thế Tôn đã khẳng định “pháp Duyên Khởi này thâm thuý. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đoạ xứ, sanh tử.” (Bản dịch của HT. Minh Châu).
Như vậy, thông qua pháp Duyên Khởi này cho thấy toàn bộ khổ đau mà chúng sanh đang trải qua là vì không hiểu giáo pháp này. Vậy, có thể nói nguyên lý Duyên Khởi là chìa khoá để mỗi chúng sanh tự tìm hạnh phúc hay khổ đau cho chính mình. Bên cạnh đó, Đức Thế Tôn cũng khẳng định rằng Ngài chứng ngộ không gì ngoài pháp Duyên Khởi: “Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì giới của pháp này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng Chánh giác” (Bản dịch của HT. Tuệ Sỹ & Đức Thắng). Qua đó cho thấy, pháp duyên khởi vốn dĩ đã tồn tại trong tự tánh của tất cả vạn vật, và Ngài chỉ là người chứng ngộ nguyên lý tự tánh ấy. Không những thế vị trí của pháp Duyên khởi được Đức Phật khẳng định rằng “ai thấy pháp duyên khởi người ấy thấy Như Lai".
Cơ duyên được tiếp cận tác phẩm này của giáo sư Kalupahana là trong giai đoạn tiến hành luận án tiến sĩ về “Pháp Duyên Khởi trong A-tì-đạt-ma của Hữu Bộ, dịch giả đã tìm thấy tác phẩm này. Chính nó đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích trên khía cạnh quan điểm pháp Duyên Khởi theo trường phái Thượng toạ bộ và một số bộ phái Phật giáo khác từ các bản kinh Nikāya và A-hàm. Nhận thấy, đây là một công trình nghiên cứu khá thú vị của giáo sư Kalupahana khi ông đã dùng các học thuyết của Vệ đà làm nền tảng để phân tích sáng tỏ nguyên lý Duyên Khởi của Phật giáo một cách vượt trội.
Vì thấy giá trị thiết thực của tác phẩm này có thể cung cấp cho bất kỳ ai muốn tham cứu về giáo nghĩa Phật giáo một cách có khoa học mà dịch giả đã quyết định dịch tác phẩm này từ bản tiếng Anh với tựa đề “Causality: Central of Buddhist Philosophy", mong muốn góp thêm một nguồn tài liệu uy tín trong việc đóng góp cho nên học thuật nghiên cứu Phật học tại Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện dịch tác phẩm này, dịch giả đã phải dựa vào cổ ngữ Pāli và Sanskrit được chua thêm từ tác giả để xác định được ý muốn trình bày của tác giả chứ không hoàn toàn căn cứ vào cách diễn đạt bằng tiếng Anh. Cho nên, đó cũng là một trở ngại khá lớn. Tuy đã cố gắng chuyển tải nội dung một cách hoàn thiện nhất có thể nhưng chắc chắn sẽ không sao tránh khỏi những sai sót, mọi trách nhiệm chính của bản dịch thuộc về người dịch, kính mong nhận được sự góp ý chân thành từ các bậc thiện hữu trí thức.
Người dịch xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Thầy Thích Hạnh Nguyên đã dành nhiều thời gian hiệu chính bản thảo, dịch lại những thuật ngữ và đoạn văn thiết yếu, bổ túc và định hình nhiều điểm quan trọng giúp bản thảo được hoàn thành.
Cuối cùng, con kính dâng tác phẩm dịch thuật này cúng dường lên Tam Bảo và chư vị Tổ Sư tại Tổ đình Giác Nguyên - Quận 4 nhân ngày tưởng niệm 40 năm Hoà thượng thượng Thiện hạ Tường viên tịch. Với tâm thành 'cúng dường pháp là cúng dường tối thẳng.
Dịch giả,
THÍCH KHAI PHÁP
Kinh cần đành lễ.