Nhà xuất bản: Tổng hợp TP.HCM
Tác giả: Cù Mai Công
Kích thước: 14,5 x 20.5 cm
Số trang: 280
Loại bìa: Bìa mềm
---------------------
Sài Gòn Một Thuở "Dân Ông Tạ Đó!" - Tập 3
Nếu ai đã từng biết đến Cù Mai Công qua hai tập sách Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!” hẳn sẽ có cảm giác ngạc nhiên xen lẫn thán phục về kiến thức và trải nghiệm của “nhà Ông Tạ học” này. Nhưng bạn đọc sẽ càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, những gì về vùng Ông Tạ mà tác giả viết trước đây có lẽ chỉ mới là một phần rất nhỏ trong khung trời ký ức gần như vô tận.
Khi đọc Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!” tập 3, chúng ta cũng sẽ có cảm nhận tương tự. Tuy nhiên, lần này tác giả đã giới thiệu Ông Tạ theo một cách khác. Không phải bằng bản đồ, công trình kiến trúc, hay những con đường… mà bằng những thứ vô hình như mùi vị, cảm giác… Cù Mai Công đã khéo léo đưa chúng ta bước vào một thế giới khác, để chạm tới phần “hồn cốt” của cộng đồng những người Bắc 54, đặc biệt là cư dân vùng Ông Tạ.
Phở, xôi, bánh cuốn, bún chả, cháo sườn… vốn là những món ăn rất quen thuộc đối với người Sài Gòn ngày nay, đặc biệt trong những bữa ăn sáng. Có thể chúng ta đã ăn món xôi nhiều lần nhưng vẫn chưa để ý kỹ độ dẻo, mùi thơm và độ nóng của xôi. Rồi cũng có đoạn bật cười khi tác giả cho rằng bánh cuốn ăn với đậu hủ chiên giòn (cắt thanh dài) thì hợp hơn là ăn với bánh tôm. Phải là một người có tình yêu với ẩm thực lắm thì mới trăn trở về những thành phần trong một món ăn tưởng như rất bình thường như thế.
Rồi có những món đặc trưng hơn, không phải để ăn hằng ngày mà dành cho những dịp đặc biệt. Như qua mâm quả bánh cưới, kẹo lạc… mà qua đó, chúng ta được chứng kiến một đám cưới xưa như thế nào. Và, không quên gửi lời cảm ơn đặc biệt đến giò chả vì nhờ nó mà ta như được sống lại trong không khí ngày Tết xưa…
Qua ngòi bút của tác giả, chúng ta có cảm giác “ẩm thực Ông Tạ” như một thế giới võ hiệp mà mỗi người bán (hoặc có khi mỗi gia đình) đều lưu giữ những “tuyệt chiêu” của riêng mình: có trường phái cũ, trường phái mới, lại có trường phái bị thất truyền, có trường phái sang trọng, nhưng cũng có trường phái bình dân…
Nhưng thật ra, Cù Mai Công đang mượn nét ăn để nói về thói ở, về con người thì đúng hơn. Như gánh xôi Bà Lai, chúng ta có cảm tưởng như xôi chỉ là cái cớ để giữ chặt mối gắn kết và duy trì sự tiếp nối của ba thế hệ. Gánh xôi Bà Lai tưởng như thầm lặng tại góc một ngã ba sầm uất nhưng qua miêu tả của Cù Mai Công lại mang tính biểu tượng đối với cư dân cả một vùng. Thì ra, biểu tượng của một vùng đất hay cả một quốc gia lại không phải thứ gì vĩ đại, lớn lao mà đó chỉ đơn giản là gánh xôi, tô phở, hủ muối mè…
Ngoài Bà Lai, vẫn còn nhiều “con người Ông Tạ” thầm lặng khác đã được tác giả ưu ái dành riêng nhiều trang sách cho họ. “Người Ông Tạ” cũng đa dạng lắm: có người là đại gia thời đó như ông chủ tiệm ảnh Á Đông, có người chỉ là buôn gánh bán bưng như bà Rật xóm Mắm, có người làm nghề mô phạm như ông giáo Dũng, lại có người thuộc giới võ biền như võ sĩ Lý Tiểu Quảng… Nhưng cho dù là dân văn hay dân võ thì “khí tiết kẻ sĩ” của một nhà giáo hay một tay võ phu không khác gì nhau.
Cuối cùng, vượt lên trên những món ăn, những hoàn cảnh khác nhau của mỗi người, chúng ta thấy bật lên một nếp nhà của những cư dân Ông Tạ nói riêng, hoặc rộng hơn là nếp sống của người miền Nam khi xưa. Đó là sự giáo dục nghiêm cẩn của cha mẹ đối với con cái, là cái tình của người thầy đối với trò, là cái nghĩa xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, là cách ứng xử ý nhị giữa vợ chồng, và là tình yêu với quê hương qua hương vị của món Phở, món bánh cuốn… mà nay đã vươn ra biển lớn.
“Ôn cố tri tân”, những chuyện tưởng xưa nhưng không bao giờ cũ luôn hiển hiện trong từng trang của Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!” tập 3 này.