Nhà xuất bản: Tri Thức
Tác giả: Nguyễn Ước
Kích thước: 16 x 24 cm
Số trang: 984
Loại bìa: Bìa mềm
---------------
Bộ Đại cương triết học Đông phương + Đại cương triết học Tây phương
1. Đại Cương Triết Học Tây Phương
Lịch sử triết học Tây phương đã tồn tại trên dưới 25 thế kỷ. Trong lịch sử triết học Tây phương, nếu Thales là triết gia đầu tiên vì ông bắt đầu nhìn ra thế giới thì Socrates là triết gia và hiền giả vĩ đại nhất vì ông bắt đầu nhìn vào con người.
Cuốn sách này chỉ giới hạn đối tượng độc giả trong những người muốn có kiến thức tổng quát và căn bản về triết học hoặc muốn sắp xếp những ý tưởng của mình đã biết thành hệ thống mạch lạc và thuận lý.
Vì thế, nó nhắm tới 3 mục đích:
1. Giới thiệu khá chi tiết một số lĩnh vực chính của triết học cùng các triết gia liên hệ, có những đóng góp quan trọng
2. Trình bày đại cương một số chủ đề kèm theo các luận cứ được họ đề xuất
3. Đưa ra những miêu tả tổng quát và ngắn gọn các khái niệm cùng các thách thức cơ bản qua đó triết học triển khai qua nhiều thế kỷ, để làm bối cảnh trình bày.
Sách gồm 3 phần: Phần đầu nói tới các chủ đề rộng lớn của triết học. Tiếp đến là phần phụ lục gồm đôi nét tiểu sử và quan điểm của 30 triết gia, từ cổ đại đến hậu hiện đại. Kế đó là các chú giải khái quát một số thuật ngữ triết học được đề cập ít nhiều trong phần đầu. Phần thứ hai chỉ để giúp bạn đọc có thêm cơ hội hình dung các triết gia ấy và ôn lại tiến trình tư tưởng của triết học Tây phương. Phần thứ ba gồm một bài đọc thêm khá dài về chủ nghĩa hậu hiện đại trên cả ba phương diện triết học lẫn mỹ thuật và văn học.
2. Đại Cương Triết Học Đông Phương
Đại Cương Triết Học Đông Phương bao gồm các hệ thống triết lý và tôn giáo chủ yếu tại Ấn Độ, gồm các truyền thống đa dạng được gom chung thành Ấn giáo, cùng với triết học Phật giáo và Kỳ na giáo, và tại Á Đông gồm Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản với tư tưởng Nho giáo và Đạo học cùng những phát triển về sau của Phật giáo.
Với nhan đề Đại cương triết học Đông phương, cuốn sách chỉ đề cập tới những truyền thống tư tưởng và minh triết phát triển tại tiểu lục địa Ấn Độ và Viễn Đông.
Từ Ấn Độ, chúng ta có một gia tài tư tưởng, các hệ phái tâm linh, các thực hành tôn giáo và xã hội được hiểu một cách tổng thể là Ấn giáo. Bên cạnh đó là Kỳ Na giáo và các triết hệ Phật giáo; cả hai cùng phát triển trong văn hóa Ấn Độ nhưng đều phê phán Ấn giáo chính thống, do đó, được xem là những truyền thống riêng biệt. Từ Viễn Đông, chúng ta có hai truyền thống cổ đại là Nho giáo và Đạo học, mà về sau chung hợp với Phật giáo làm thành một hỗn hợp tư tưởng Trung Hoa phong phú.
Kế đến, chúng ta có hai truyền thống mà lối tiếp cận rất khác với các truyền thống vừa kể, đó là Mật Tông, đặt cơ sở trên hành động có tính nghi lễ cùng việc sử dụng óc tưởng tượng đầy sáng tạo, và Thiền Tông với trực giác về thực tại vượt quá bên kia khái niệm.
Hết thảy những truyền thống vừa kể đều có chung một lịch sử trải dài từ 3000 năm trước, và cùng góp phần rất lớn lao không những cho các nền văn hóa Đông phương là nơi chúng phát triển mà còn cho toàn thể thế giới. Do đó, một cuốn sách với số trang tương đối ít như cuốn này, chỉ dám đề cập tới các vấn đề trung tâm và một số trọng điểm hàm chứa trong triết học Đông phương cùng phác họa các lối tiếp cận và những chung quyết chủ yếu của chúng. Cuốn sách này sẽ khảo sát khá sâu những câu hỏi nền tảng được mỗi truyền thống triết học và tôn giáo trình bày, nhưng chỉ lướt quan phần lịch sử và chỉ mô tả nghi lễ tôn giáo hoặc lối sống đạo của tín đồ có tính tiêu biểu và ở mức tối thiểu.
Như lời tác giả, mục đích của cuốn sách khá khiêm tốn, đi theo vết chân của các tác giả triết học trước đây, nhằm góp phần giúp bạn đọc giảm đôi chút thì giờ lục lọi đống sách cũ. Cuốn sách chỉ trình bày những điểm chính của mỗi truyền thống Đông phương, kèm theo đôi nét phác thảo quá trình bản địa hóa khi bánh xe tư tưởng ấy lăn tới.