1. Kinh Trường Bộ (Bộ 2 Quyển)
Tác giả: HT. Thích Minh Châu
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Năm xuất bản: 2022
Số trang: 2000
Nhà xuất bản: Giáo hội Phật Giáo Việt Nam
Kích thước: 15.5 x 20.5 cm
Loại bìa: Bìa cứng
Các thập kỷ qua đã hình thành nhiều bản dịch Việt văn về Kinh, Luật, Luận thuộc Nam tạng và Bắc tạng. Đây là các công trình cá nhân và là công trình của vài trường Cao đẳng Phật học. Mãi đến năm 1990, ngót mười năm sau ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất các hệ phái Phật giáo trên ba miền đất nước, Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam mới chính thức được thành lập. Năm 1991, được sự ủng hộ của Ban Tôn giáo Chính phủ và sự chấp thuận của Cục Xuất bản, Hà Nội, Giáo hội khởi đầu ấn hành bộ Trường A Hàm và bộ Trường Bộ Kinh mở đầu Đại Tạng Kinh Việt văn đầu tiên. Phật sự phiên dịch và ấn hành này là Phật sự quan trọng bậc nhất hiện nay của Giáo hội đáp ứng được lòng mong mỏi thiết tha của nhiều thế hệ Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam.
Bộ Kinh Trường Bộ do Hòa thượng Thích Minh Châu, Tiến sĩ Phật học tại Viện Phật học Nalandà, Ấn Độ, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, dịch. Năm 1991, Hòa thượng thân hành hiệu đính bản dịch trước khi đưa ra ấn hành. Chúng tôi đặt nhiều tin tưởng vào sự trung thành của bản dịch đối với nguyên bản Pàli.
Thay mặt Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam, chúng tôi cầu nguyện cho Phật sự phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam trọng đại này sớm thành tựu viên mãn.
2. Trường Bộ Giảng Giải (Bìa Cứng, có hộp)
Tác giả: Bhik Samādhipuñño Định Phúc
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Năm xuất bản: 2024
Số trang: 702
Nhà xuất bản: Giáo hội Phật Giáo Việt Nam
Kích thước: 16 x 24 cm
Loại bìa: Bìa cứng, có hộp
Mùa an cư năm 2019, chúng tôi có duyên được hướng dẫn lớp Giới thiệu kinh Trường bộ đến các học viên tại chùa Hộ Pháp (Vũng Tàu). Với thời gian ba tháng, để truyền tải hết trọn vẹn ba mươi bốn bài kinh trong Trường bộ là một điều khó. Vì thế, trong ba tháng này, chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược về đại ý các bài kinh đến học viên. Từ đó, chúng tôi ấp ủ một công việc tóm tắt hoặc giảng giải về Trường bộ cho được hoàn chỉnh phần giáo trình đã soạn. Rồi việc học, việc bài vở cứ đưa đẩy và cho đến cuối năm 2021, trong thời gian bị cách ly vì bệnh Covid-19, đọc lại phần giáo trình của năm xưa, chúng tôi thấy mình còn thiếu sót một điều chưa làm được. Thế là chúng tôi bắt đầu cố gắng soạn lại để hoàn thiện tác phẩm mà quý vị độc giả đang cầm trên tay.
Trường bộ kinh hay kinh Trường bộ là tên đa phần nhiều vị hay gọi, dần trở thành một tên phổ biến. Thật ra, Dighanikāya chỉ hiểu là Trường bộ mà thôi, hoàn toàn không có chữ “kinhsutta” nào ở đây. Vì thế, chúng tôi cũng thống nhất cách gọi của năm bộ trong Kinh tạng (Suttantapitaka) như là Trường bộ, Trung bộ, Tăng chi bộ, Tương Ưng bộ và Tiểu bộ để không thể nhầm lẫn Trường bộ kinh là một bài kinh có tên là Trường bộ.
Tác phẩm Trưởng bộ giảng giải này tuy không giảng giải rõ hoàn toàn như Chú giải (Atthakatha) hoặc Sở giải (Tika) mà chỉ là một sự giải thích ngắn gọn những điều cần phải giải thích mà thôi. Số lượng khoảng bảy trăm trang của tác phẩm này so với ba quyển Chánh tạng hoặc hàng trăm trang của các bộ Chú giải, Sở giải, Phụ sở giải thì không là gì cả. Tuy nhiên, trong lúc soạn, chúng tôi cố gắng giải thích những gì mà chúng tôi đã học được, đã hiểu được, còn không thì tham khảo ở nhiều tài liệu của các vị giáo thọ khác.
Trước khi đi vào giảng giải phần nội dung bài kinh, chúng tôi đặc biệt đưa thêm những dữ liệu về địa điểm và nhân vật có liên quan trong bài kinh đó để cung cấp cho quý độc giả một số lượng thông tin cần thiết về đối tượng được nhắc đến trong bài kinh. Phần này, chúng tôi xin được phép trích dẫn từ dịch phẩm Từ điển danh từ riêng Pali của Cư sĩ Chơn Quán – Trần Ngọc Lợi dịch từ tác phẩm Dictionary of Pāli Proper Names của Giáo sư G. P. Malalasekera (1899-1973). Riêng đối với hai bài kinh cuối cùng, kinh Phúng tụng và kinh Thập thượng, nội dung của hai bài kinh này hoàn toàn là chi pháp; chúng tôi xin được phép trích dẫn từ quyển Kho tàng Pháp học của thầy Giáo thọ (acāriya) cũng là Hòa thượng tế độ (upajjhāyācāriya) của chúng tôi, là ngài Trưởng lão Giác Giới (Bodhisilamahathera). Trong quá trình biên soạn, chúng tôi cũng đã sử dụng lại hai tập tài liệu là giáo trình học được từ lớp giáo lý tại chùa Siêu Lý - Vĩnh Long do thầy giáo thọ của chúng tôi trực tiếp giảng dạy, đó là quyển Vi diệu pháp Sơ cấp và Kinh Thập Thượng.
Giảng giải một bộ kinh đặc biệt như Trường bộ chắc chắn phải cần đến những vị có “nội công thâm hậu” nhất là về pháp học, cần có chuyên môn sâu rộng thì mới giảng rõ, đúng và dễ hiểu. Chúng tôi cũng chỉ là một Tăng sinh đang từng bước tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu kinh điển nên chắc chắn tác phẩm này sẽ không tránh được những sai sót trong quá trình biên soạn. Ngưỡng mong các bậc thiện trí và độc giả đồng cảm chỉ rõ những sai sót, hoặc góp ý, đóng góp sửa chữa để chúng con – chúng tôi được sửa sai và hoàn thiện hơn.
Với công đức dù lớn hay nhỏ, cũng xin hướng nguyện phần phước này đến các bậc thầy tổ, ân sư đã hướng dẫn, dìu dắt và dạy dỗ chúng con từ lúc mới bước vào con đường tu học cho đến ngày hôm nay. Chúng con xin kính dâng món quà Pháp này như là tấm lòng tri ân của chúng con đến các vị ân sư: HT. Tăng Định, ngài HT. Giác Giới, ngài HT. Bửu Chánh, ngài Cố HT. Phúc Hỷ, TT. Tuệ Dũng cũng như là các vị thầy tổ, huynh đệ đã đồng hành và hỗ trợ chúng con trong những tháng ngày tu học.
Chúng tôi cũng không quên ân đức và sự khích lệ của các cư sĩ đã, đang và luôn đồng hành với chúng tôi trong những quá trình tu học từ Thái Lan cho đến khi về Việt Nam. Xin tri ân công đức Sư Cô Huệ Từ đã đọc bản thảo và hỗ trợ cho chúng tôi trong Công tác cũng như việc học. Đặc biệt là những gói thuốc, chai nước muối, thực phẩm gửi đến chúng tôi với khoảng cách an toàn trong giai đoạn cách ly vì dịch bệnh. Xin cảm niệm Công đức của tất cả quý vị và mong cho quý vị luôn được an lạc.
Kính mong cho những ai hoan hỷ với thiện pháp này, luôn được thân lạc tâm an, thiện pháp luôn tăng trưởng và thành tựu quả giải thoát như ý nguyện.
Idam me dhammadānam āsavakkhayāvaham hotu.
Idam me dhammadānam nibbānassa paccayo hotu.
Chùa Trúc Lâm, 2566 - 2022.
Bhikkhu Samādhipuñño
Tỳ-khưu Định Phúc