1. Tử thư Tây Tạng - QUYỂN CỔ THƯ TINH HOA HUYỀN MÔN CỦA TÂY TẠNG
Tác giả: Guru Rinpoche
Người dịch: Thiện Tri Thức
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Năm xuất bản: 2023
Số trang: 230
Nhà phát hành: Cửu Đức
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Kích thước: 12 x 20 cm
Loại bìa: bìa mềm
Theo cuốn Tử Thư, vòng luân hồi có thể tạm chia ra làm bốn phần hay bốn giai đoạn như sau: Giai đoạn sống là khoảng thời gian từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, nói giản dị thì đó là một kiếp người. Giai đoạn chết là khoảng thời gian từ khi rời bỏ thể xác cho đến khi bước sang Cõi Sáng (Dharmata). Giai đoạn thứ ba là lúc sống trong Cõi Sáng, một khoảng thời gian rất đặc biệt khi thần thức được khai mở để kinh nghiệm chân tâm. Giai đoạn thứ tư là giai đoạn tái sinh, khoảng thời gian từ lúc chuẩn bị để tái sinh cho đến khi sinh ra.
Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi quyển sách này là Sinh Thư thay vì Tử Thư. Ngài đã giảng: "Trọn bộ Tử Thư có thể thâu gồm vào một ý chính như sau: Người nào biết sống một cách tỉnh thức thì sẽ chết tỉnh thức, và một khi đã tỉnh thức thì họ có thể chuyển thần thức, tránh được sự lôi kéo của nghiệp và thoát khỏi sinh tử luân hồi. Đa số con người vì bị vô minh che phủ nên không biết cách sống cho đúng với ý nghĩa của sự sống, thường thường nếu không hoài niệm về quá khứ thì họ cũng mơ tưởng về tương lai, họ luôn luôn ‘lo lắng để sống’ chứ không hề ý thức rõ rệt sự sống. Vì sống một cách u mê, không tỉnh thức như vậy nên khi chết thì họ cũng không thể làm chủ được hoàn cảnh khi ấy, dĩ nhiên họ sẽ hoàn toàn để nghiệp lực lôi kéo và trôi nổi trong sáu nẻo luân hồi".
Lời giải thích này là một chìa khóa quan trọng đã rọi một tia sáng cho những người muốn tìm hiểu cuốn Tử Thư Tây Tạng. Người ta có thể coi nó là một Sinh Thư, sách hướng dẫn cho người sống, khuyên họ phải sống làm sao để khi chết có thể tự chủ, tỉnh thức để thoát luân hồi, hoặc người ta cũng có thể coi nó là một Tử Thư, sách hướng dẫn cho người chết biết cách tìm đến những cõi giới tốt lành, tránh đọa lạc vào ba đường ác là Ngạ quỷ, Địa ngục và Súc sinh.
2. Giải Thoát Trong Lòng Tay (2 tập)
Tác giả: Pabongka Rinpoche
Người dịch: Thích Nữ Trí Hải
Ngôn ngữ: Tiếng Việt
Năm xuất bản: 2024
Số trang: 1100
Nhà phát hành: Cửu Đức
Nhà xuất bản: Đà Nẵng
Kích thước: 13.5 x 20.5 cm
Loại bìa: bìa mềm
Một tập bút ký ghi lại các bài giảng khẩu truyền của đại sư Kyabye Pabongka Rinpoche tại am thất Chuzang gần Lhasa, Tây Tạng từ năm 1921, vừa được ra mắt bạn đọc và những người nghiên cứu Phật giáo VN qua bản dịch của cố ni sư Thích Nữ Trí Hải: Giải thoát trong lòng tay.
Triết lý đạo Phật luôn chủ trương thực hành nhằm đạt đến những chuyển hóa hướng thiện và hướng thượng cho mỗi người trong cuộc sống. Khái niệm giác ngộ là một thành tựu tự nhiên như ví dụ về trồng hoa sẽ đến ngày hoa nở.
Trong các hệ phái chú trọng phương pháp thực hành ở Tây Tạng, giáo pháp khẩu truyền do Atìsha (người Ấn Độ) mang sang được xem như là những cách thức tinh túy để “từng bước tiến đến giác ngộ” (Lamrim). Do đó, Giải thoát trong lòng tay là những bước tiến thiết thực, quan trọng và mạch lạc nhất để mỗi người tự mình thực hành giáo pháp của Như Lai theo truyền thống của dòng Mũ vàng (Gelug).
Sách do Kyabye Trijang Dorje Chang (đệ tử của Pabongka Rinpoche) ghi lại với mỗi chương là một ngày giảng của thầy mình. 24 chương trình bày từ việc luyện tâm, phát triển lòng tin vào luật nhân quả, đến các cách phát tâm bồ đề... Tất cả là một bộ tư liệu quý báu về Phật giáo Ấn Độ được truyền thừa không gián đoạn, từ khi Phật Thích Ca còn tại thế cho đến khi lưu truyền sang Tây Tạng.
--------------------------
Các đệ tử Ni trưởng Thích nữ Trí Hải có trình cho chúng tôi xem dịch phẩm Giải thoát trong lòng tay do Ni trưởng chuyển dịch.
Dịch phẩm là một công trình lớn, chuyển tải nhiều quan điểm và phương pháp thực nghiệm sâu sắc của truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Tác giả là ngài Pabongka Rinpoche, một vị Lama thuộc phái Hoàng mạo, có kiến thức uyên bác và kinh nghiệm thực hành sâu sắc. Điểm đặc biệt của ngài Pabongka Rinpoche là, trong những bài thuyết giảng của mình, Ngài luôn luôn đặt trọng tâm vào việc thực hành bằng cách chỉ rõ những cách thức đơn giản và cụ thể nhất để mọi người có thể ứng dụng các pháp môn tu tập của đạo Phật. Dịch phẩm này đã được dịch giả rà soát lại rất kỹ trước ngày về hầu Phật tổ, chắc chắn sẽ giới thiệu nhiều nội dung sâu sắc của truyền thống Phật giáo Tây Tạng, rất lợi lạc và bổ ích cho những ai trân trọng con đường tâm linh.
Cảm niệm thâm ân của Thầy mình, các đệ tử của Ni trưởng đã nỗ lực xem lại bản thảo của dịch phẩm và mong muốn được ấn hành; một mặt để cúng dường Tam bảo, mặt khác để giới thiệu một công trình Phật pháp, làm lợi ích cho nhiều người. Đây là việc làm rất có ý nghĩa của người con Phật.
Chúng tôi có lời tán thán các đệ tử Ni trưởng Thích nữ Trí Hải và trân trọng giới thiệu công trình dịch thuật này.
Thiền viện Vạn Hạnh.
Mùa an cư PL. 2549
Tỷ-kheo THÍCH MINH CHÂU Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam