(BẠN ĐỌC LƯU Ý: SÁCH SẼ GIAO SỐ NGẪU NHIÊN)
-----------------------------------------------------------------
VĂN PHÁP CHỮ HÁN của tác giả Phạm Tất Đắc do Thư viện Huệ Quang tái bản lần thứ 2 năm 2022. Ngoài 1200 bản phổ thông in trên giấy Ford kem định lượng 78.3 gsm còn có 314 bản cao cấp in trên giấy Ford kem định lượng 78.3 gsm, đóng bìa da PU cao cấp với thiết kế riêng. 300 bản đánh số từ 001-300 dành cho bạn đọc yêu sách đẹp. 10 bản mang ký hiệu I-X dành cho các thân hữu của Thư viện. Hai bản PTĐ, PKL dành cho người thân tác giả và hai bản H, Q dành cho Thư viện.
BÌA:
- Da PU xanh đen, dập nhũ 2 màu, vàng và đỏ, nhũ Hàn Quốc
- Mặt trước: hoa văn sen và mây có cặp hạc ngậm cặp đối:
Chi hồ giả dã dĩ yên tai
Dụng đắc thành chương hảo tú tài
之乎者也已焉哉, 用得成章好秀才
(Ai mà thông thạo các hư từ: chi 之, hồ 乎, giả 者, dã 也
viết thành câu cú văn chương xem như đậu tú tài)
Ở giữa là 4 đại tự chữ Hán: HÁN VĂN VĂN PHÁP của Thư pháp gia Lâm Hán Thành được dập chìm sâu, nhũ đỏ.
Phía dưới là nhan đề chữ Việt: Văn Pháp Chữ Hán, trên là tên tác giả Phạm Tất Đắc.
- Mặt sau: hoa văn sen và mây, ở giữa là logo Thư viện Huệ Quang, dập nhũ vàng
- Gáy: mo tròn có 5 gân nổi. Tên sách được dập nhũ 2 màu đỏ và vàng.
BỤNG SÁCH (VIỀN) được mạ vàng.
TỜ GÁC thủ công, do họa sỹ Đan Tuấn-thành viên thư viện thực hiện.
HỘP ván MDF bọc vải, viền da PU xanh đen, gia cố chắc chắn. Có logo Thư viện nhũ vàng ở 2 mặt trước và sau.
Mỗi quyển đều được đóng số và triện son Thư viện.
Tất cả các khâu thủ công đều do nhân viên Thư viện thực hiện.
(BẠN ĐỌC LƯU Ý: SÁCH SẼ GIAO SỐ NGẪU NHIÊN)
---------------------
Văn Pháp Chữ Hán
Muốn nắm vững một ngôn ngữ, thì ngoài phần từ vị ra, còn phải thông hiểu ngữ pháp. Riêng đối với Hán ngữ cổ, thì điều này lại càng quan trọng. Nếu không, sẽ không thể đọc hiểu và dịch đúng một câu văn chữ Hán trong các thư tịch viết bằng Văn ngôn (tức Hán cổ), kể cả của Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta từ nhiều năm nay, để giải quyết phần từ vị, đã có khá nhiều tự điển/ từ điển xuất bản trong nước và nước ngoài tương đối đủ dùng, nhưng chuyên thư về ngữ pháp Hán cổ giảng giải bằng tiếng Việt thì thật sự còn rất hiếm hoi, chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Vì vậy, trong tình trạng thiếu sót ấy, sự ra đời sách VĂN PHÁP CHỮ HÁN của tác giả Phạm Tất Đắc xuất bản lần đầu tiên năm 1996 do NXB Khoa Học Xã Hội đã mang lại cho những người ham thích/ có nhu cầu học chữ Hán một công cụ tham khảo hết sức tiện lợi và hữu ích.
Thế hệ sinh ra như chúng tôi trong khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, nếu là người có quan tâm việc học vấn thì phần nhiều đều biết tới ông Phạm Tất Đắc như một nhà giáo có uy tín chuyên dạy Pháp văn ở miền Nam trong hàng chục năm, đã từng biên soạn cẩn thận và xuất bản được một số sách giáo khoa tiếng Pháp được nhiều người biết đến. Vì thế, khi thấy sách VĂN PHÁP CHỮ HÁN của ông ra đời, không khỏi lúc đầu có người lấy làm lạ, nhưng khi đọc kỹ vào trong sách mới biết ông cũng là một người tinh tường cổ Hán ngữ, và cũng rõ ràng từ căn bản vững chắc về ngữ pháp tiếng Pháp và tiếng Việt mà ông đã có cách giảng giải ngữ pháp cổ Hán ngữ một cách rất rành mạch, dễ hiểu.
Cuốn sách đã cố gắng trình bày cặn kẽ cách dùng cho mỗi từ loại (danh từ, đại từ…, mà trong sách gọi “danh tự”, “đại tự”…), đặc biệt chú trọng ở các loại từ công cụ ngữ pháp (giới từ, trợ từ…, mà trong sách gọi “giới tự”, “trợ tự”) rất cần thiết cho việc đọc hiểu đúng các văn bản Hán cổ. Như riêng phần trợ từ 也 (dã), đã dành tới gần 30 trang để giải thích, đi sâu chi tiết, giúp người đọc nắm vững cách dùng phức tạp tế nhị của một trong những hư từ có tần số xuất hiện được coi như nhiều nhất trong Hán ngữ cổ. Các thí dụ minh họa cho từng chủ điểm ngữ pháp đều được phiên âm, dịch nghĩa, chua xuất xứ rõ ràng; đôi khi gặp phải cơ hội, dưới một số đoạn tác giả còn nêu thêm những kiến thức liên quan, giúp nâng cao sự hiểu biết cho người học cả về mặt ngôn ngữ lẫn nội dung tư tưởng.
Điểm hạn chế đáng kể nhất có lẽ ở chỗ đa số thuật ngữ tác giả dùng trong sách đã bị gọi tên theo lối cũ, như cái thời mà ông đã học tập, giảng dạy và nghiên cứu, phần nào có gây trở ngại cho lớp trẻ ngày nay khi sử dụng sách. Tuy nhiên, trở ngại này hoàn toàn có thể vượt qua được, nếu người học biết vận dụng kiến thức một cách khéo léo, và hiểu được cái lẽ tuy “thù đồ” nhưng vẫn “đồng quy”, vì dù gọi “văn pháp” hay “ngữ pháp”, “trợ tự” hay “trợ từ”… thì mục đích cuối cùng vẫn không gì khác hơn là dẫn dắt cho người cầu học có khả năng đọc hiểu, dịch đúng các văn bản chữ Hán cổ.
Đọc lời ngỏ “Cùng bạn đọc thân ái” của tác giả đặt ở đầu sách, chúng ta lại càng thêm xúc động khi biết rõ nguồn cơn: ông học chữ Hán không phải để cầu lợi lộc, mà đơn thuần chỉ vì một lòng hiếu học, phần khác vâng theo lời khuyên tha thiết của thân phụ trước khi nhắm mắt lìa đời, để có được phương tiện khám phá ra những thứ hoa thơm cỏ lạ hết sức phong phú đa dạng trong khu Hán học bạt ngàn của người xưa, được hiểu như cơ sở tốt để nâng cao tâm hồn và trui rèn nhân cách đạo đức.
Sách được xuất bản tròn 20 năm trước, vài năm gần đây đã tuyệt bản, nên không ít người ham thích học chữ Hán muốn tìm đọc cũng không có sách. Để lấp vào khoảng trống khá dài này, sau khi được sự chấp thuận đầy thiện chí của trưởng tử tác giả là ông Phạm Kim Long, nay Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang phối hợp với NXB Hồng Đức cho tái bản cuốn VĂN PHÁP CHỮ HÁN của Phạm Tất Đắc, với hi vọng sẽ cung cấp cho những người hiếu học như tác giả, một công cụ tham khảo, học tập đặc biệt hữu ích cho mục tiêu cầu học của mình.