Tác giả: Will Durant
Dịch giả: Trí Hải và Bửu Đích
Hình thức: Bìa mềm
Số trang: 508 trang
Nhà xuất bản: Hồng Đức
---------------------
Câu chuyện triết học - Will Durant
“Khoa học mang lại cho ta kiến thức, nhưng chỉ có triết học mới có thể cho ta sự hiền minh.” -- Will Durant --
Cuốn sách này với tựa gốc là “The Story of Philosophy” ra mắt bạn đọc năm 1926, trong vòng 50 năm (1926-1976) sách được tái bản 28 lần. Cuốn sách mang lại cho tác giả danh tiếng và nguồn tài chính dồi dào, tạo tiền đề cho việc ra đời các công trình đồ sộ khác: “The Story of Civilization”, “The Lessons of History”, “Interpretation of Life: A Survey of Contemporary Literature”.
Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này: “Câu truyện triết học” – do 2 dịch giả khả kính Trí Hải & Bửu Đích dịch năm 1971, được Nha Tu thư và Sưu khảo – Viện Đại học Vạn Hạnh in lần đầu ở Sài Gòn cùng năm. Năm 2008 cuốn sách được công ty sách Thời Đại liên kết với Nxb Văn Hóa Thông Tin tái bản lần thứ nhất. Ở lần tái bản thứ hai này (3/2014), ngoài việc sử dụng lại bản dịch cũ của Trí Hải & Bửu Đích (chương I – IX), công ty sách Thời Đại đã mời dịch giả Phan Quang Định dịch thêm phần Khai từ cho lần xuất bản thứ hai (bản gốc), phần Dẫn luận về những lợi ích của triết học và dịch bổ sung 2 chương X, XI về triết học Âu Mỹ (trong nguyên tác từ lần xuất bản thứ hai, tác giả đã bổ sung thêm 2 chương này, do bản dịch của Trí Hải & Bửu Đích dựa theo bản in lần đầu của nguyên tác nên không đầy đủ). Vì vậy, cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay là bản in đầy đủ theo nguyên tác.
Trong Lời giới thiệu của ấn bản tiếng Việt, nhà nghiên cứu triết học đầy thẩm quyền Bùi Văn Nam Sơn đã bỏ công ngồi nhặt và hiến cho bạn đọc một vài hạt ngọc hiền minh mà ông nói là dễ dàng tìm được trong cuốn sách này:
Chắc ta đồng ý với Plato rằng các chính khách cầm quyền cần được huấn luyện kỹ lưỡng như khi đào tạo một bác sĩ y khoa!
Aristotle: biết bao cuộc tranh luận dài dòng có thể tóm tắt thành một đoạn ngắn nếu các kẻ tranh luận dám định nghĩa rõ ràng chữ nghĩa của họ!
Francis Bacon: Môn giả kim đã trở thành hóa học, môn chiêm tinh đã trở thành thiên văn học và các câu chuyện thần thoại về những con vật biết nói đã trở thành môn động vật học!
Spinoza: Thù ghét là thừa nhận sự yếu kém và sự sợ hãi của mình. Ta đâu có thèm thù ghét một kẻ thù mà ta biết chắc là sẽ dư sức đánh thắng!
Voltaire: Thượng đế tạo ra đàn bà chỉ là để thuần phục đàn ông! (“mankind” ở đây là “đàn ông” hay cả… nhân loại?!).
Kant: đối diện với cám dỗ, ta có “mệnh lệnh luân lý” ở trong ta như là lời mách bảo của lương tâm!
Hegel: Ý tưởng hay tình huống nào trong thế gian cũng đều nhất định dẫn tới cái đối lập của nó, rồi hợp nhất với nó để tạo ra một toàn bộ cao hơn hay phức tạp hơn!
Schopenhauer: Dẫn đạo thế giới là ý chí, vì thế mà có nỗ lực, có bi kịch. Ý chí là bản chất của con người!
Herbert Spencer: sáng chế ra mấy chữ: “đấu tranh sinh tồn” và “ưu thắng liệt bại”. Có thể dùng chúng để giải thích mọi sự mọi vật!
Nietzsche: Nếu thế, thì sự cứng rắn sẽ là đức tính tối thượng, còn yếu đuối là sai lầm duy nhất!
Henri Bergson: trước nay, ta chỉ là chiếc đinh ốc trong cổ máy vô hồn; bây giờ, nếu muốn, ta có thể tham gia viết một chương trong vở kịch của sự sáng tạo!
Benedetto Croce: Cái đẹp là sản phẩm tinh thần về một hình ảnh (hay một chuỗi hình ảnh) chộp được bản chất của sự vật được nhìn thấy!
Bertrand Russell: Hận thù và chiến tranh phần lớn là do những định kiến và lòng tin giáo điều!
George Santayana: Các cuộc cải cách luôn có các kết quả nước đôi, vì chúng tạo ra các định chế mới, mà hễ có định chế mới thì ắt có những sự lạm dụng mới!
William James: Các kết quả sẽ trắc nghiệm các ý tưởng!
John Dewey: trong xã hội công nghiệp, nhà trường nên là một công trường và một cộng đồng thu nhỏ; nên dạy học bằng thực hành và bằng việc “thử và sai”. Cần nhận thức lại về giáo dục: giáo dục không đơn thuần là một sự chuẩn bị cho sự trưởng thành mà như là một sự tăng trưởng không ngừng của đầu óc và một sự khai minh liên tục về cuộc đời”…
Cuốn sách này không phải là một lịch sử triết học đầy đủ. Nó là một toan tính nhân văn hóa kiến thức bằng cách tập trung câu chuyện về suy tư triết học chung quanh những khuôn mặt tiêu biểu nhất – theo thiển ý của tác giả – và bỏ qua nhiều người khác để những người được chọn có đủ không gian cần thiết để thể hiện.
Cuốn sách này chẳng bao giờ dẫn dắt độc giả đến chỗ sai lầm mà giả định rằng bằng cách đọc nó người ta sẽ trở thành triết gia qua một đêm. Vì một lẽ hiển nhiên là, không có con đường tắt đến với tri thức.
Tác giả cũng xác định rõ mục đích của cuốn sách này là làm cho người bình thường hiểu được những ý tưởng cao xa của triết học.
Và bây giờ, chúng ta hãy lắng nghe những bậc kỳ nhân trong cuốn sách này, và sẵn lòng bỏ qua những lầm lẫn nhất thời của họ để nhiệt thành học hỏi những bài học mà họ đã nhiệt tâm truyền dạy.