Nhà xuất bản: Hồng Đức;
Kích thước: 13x20.5cm;
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê dịch;
Số trang: 230;
Bìa sách: Bìa mềm.
-----------------
Chấp Nhận Cuộc Đời
Ai là người biết suy tư thì bước qua một tuổi nào đó, ít gì trong đời cũng có một vài lần thắc mắc về đời sống, lối sống của mình, xét lại xem những điều mà từ trước mình vẫn tin là đúng, là thiện - tin một cách dễ dàng vì tưởng ảnh hưởng của giáo dục, và tập dục - có thực là đúng, là thiện không, cư xử với mọi người như vậy có phải không, vợ con như vậy có hợp lý không, đối với chính quyền độc tài thì thái độ phải ra sao, thế nào là yêu nước, khi nào thì nên giúp người, kiếm tiền để làm gì đây và sống để làm gì đây ? ... vân vân ...
Nếu là một vĩ nhân thì sau những lần trầm tư đó, như Đức Thích Ca dưới gốc cây bồ đề, Đức Ki Tô ở trong núi - chẳng những nhân sinh quan thay đổi hẳn mà còn gây được một cuộc cách mạng trong xã hội, ảnh hưởng tới hậu thế nữa, không phải là một vĩ nhân thì sau vài đêm trằn trọc hoặc vài ngày thơ thẩn bên bờ suối, trên bãi biển, ta cũng tìm lại được sự bình tĩnh trong lòng, ta thỏa thuận với ta hơn, do đó, thỏa thuận với đời hơn, vì sự bất mãn về đời, nguyên do chỉ tại sự bất mãn về bản thân ta, tại ta sống mâu thuẫn với những quy tắc của ta, chứ không có gì khác. Thường thường, phải gặp một ta họa, chúng ta mới ôn lại tất cả dĩ vãng, xét lại tất cả những tin tưởng của mình một cách triệt để, và khi cuộc khủng hoảng qua rồi, mười người thì có tới chín người tìm lại được lẽ sống, hân hoan thốt lên câu: "Đời vẫn là đáng sống".
Tác giả, Luise Rinser, mà tôi đoán là một người Đức gốc Do Thái, ngay từ nhỏ đã có tinh thần độc lập, không tin hết những lời gia huấn nghiêp khắc, lớn lên sống một cuộc đời rất chìm nổi, một lần bị Đức Quốc xã bắt giam, suýt bị xử tử, hai đời chồng - chồng trước chết, chồng sau li dị - chín lần phải rời những căn nhà gian lao mới xây được, rốt cuộc bỏ nước Đức, cũng không qua Israel mà xin cư trú ở Ý, tóm lại đã chịu nhiều cuộc khủng hoảng về tinh thần, nên đã có nhiều suy tư về cuộc sống mà tìm ra được một nhân sinh quan không bi mà cũng không lạc một cách dễ dãi, nhưng can đảm, nhân từ và thông minh.
Trong tập này, bà ghi những suy tư đó lại. Từ những vấn đề lớn lao như ý nghĩa đời sống, sự tự do, sự an toàn của con người, thân phận con người, ..., tới những vấn đề lặt vặt, nhưng không phải là không quan trọng, như thế nào là lễ độ, can đảm, nói dối, phải cư xử với thanh niên ra sao, báo ân, báo oán ra sao, viết thư từ ra sao nữa... vấn đề nào bà cũng đem ra đặt lại, dùng những kinh nghiệm bản thân cùng kinh nghiệm tha nhân, "người xưa và người nay", để xét lại, và có những ý mới ta không sao bác bỏ được, dù muốn hay không thì cũng phải "làm quen" với nó. Bà bảo: "Bất kì cái gì mới mẻ - kể cả thế hệ mới và lối sống đặc biệt của họ - cũng làm cho ta thấy chướng vì nó đảo lộn các thói quen của ta, buộc phải so sánh, xét lại lối sống của ta, và dám bảo thẳng vào mặt ta rằng ta lạc hậu. (...).
Nhưng chúng ta phải can đảm nhìn thẳng vào nó, thẳng thắn đối thoại với nó. Vấn đề không phải là ta thích nó hay không. Điều quan trọng là ta phải khách quan tìm trong nó cái yếu tố của sự tiến bộ". Nhưng như vậy không có nghĩa là ta phải chấp nhận tất cả những cái mới, từ bỏ tất cả những cái cũ, để khỏi lạc hậu. Không ta chỉ nên theo cái mới khi nó không trái với những quy tắc căn bản của luân lí. Độc giả sẽ bảo: "Từ khi có thuyết tương đối của Einstein thì ta thấy cái gì cũng tương đối hết, gọi là tốt thì chỉ tốt trong một vài hoàn cảnh nào đó, với những điều kiện nào đó thôi". Phải, luật tương đối đã chuyển từ môn vật lí qua môn triết lí, nhưng "đem áp dụng vào luân lí thì chỉ là một sự thoái thác tầm thường", vì nó có những quy luật bất biến về luân lí, mà những quy luật này theo Luise Rinser, là sự liên đới giữa nhân loại và lòng tha nhân; không một hành động nào của một người mà không ảnh hưởng xa hay gần tới những người đồng thời và những người tới sau; mọi người bất kì là ở đâu đều đồng cam cộng khổ với nhau, nên phải yêu nhau.
Bà nhấn mạnh nhiều lần về điểm đó, và đọc xong tôi có cảm tưởng rằng bà đáng gọi là một người văn minh mà tác phẩm của bà có thể so sánh được với cuốn Một nghệ thuật sống của André Maurois, Sống đẹp của Lâm Ngữ Đường, chứ không thuộc vào loại sách học làm người bầy nhan nhản trong cách hiệu sách.
Văn của bà cũng hấp dẫn, không có cái giọng nặng nề dạy đời của một nhà luân lí, mà hóm hỉnh, nhẹ nhàng, thông minh, tế nhị, không lý thuyết dài dòng mà dẫn nhiều kinh nghiệm cụ thể, nhiều giai thoại lí thú, không độc đoán đưa ý kiến riêng, mà đàm đạo với ta, phân tích mỗi vấn đề cùng với ta tìm một kết luận.
Cho nên hôm nay tôi vui vẻ giới thiệu các tác phẩm của bà với độc giả. Tác phẩm hơi dày, tôi đã bỏ bớt độ mười bài, và cũng như nhiều cuốn khác trong loại này, tôi tìm cách chuyển qua tiếng Việt chứ không dịch sát. Tôi tin rằng ở thời này làm người mà được như bà là quý lắm rồi: chúng ta sẽ vừa tìm được một ý nghĩa cho cuộc đời, vừa tạo được hạnh phúc cho bản thân, mà cho bản thân cũng tức thị là cho tha nhân.
Sài Gòn ngày 8-3-1971 Nguyễn Hiến Lê