Nhà xuất bản: Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM;
Kích thước: 21x25cm;
Tác giả: VPhilippe Le Failler Eric Bourdonneau Michel Lorrilard;
Dịch giả: Nguyễn Thị Hiệp;
Số trang: 298;
Loại sách: Bìa cứng, in màu.
--------------------
Ký ức Đông Dương: Việt Nam - Campuchia - Lào
Mémoires D’ Indochine: Vietnam - Cambodge - Laos
“Ký ức Đông Dương: Việt Nam - Campuchia - Lào” hoàn thành in ấn vào tháng 6.2020 là bản in đầu tiên có 3 ngôn ngữ Anh - Pháp - Việt được ấn hành bởi sự phối hợp giữa NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp tại Việt Nam sau hơn hai năm bắt tay thực hiện.
Phần đầu giới thiệu về lịch sử hình thành và những tư liệu quý giá qua thời gian được lưu trữ kỹ lưỡng bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp qua những chuyển biến của lịch sử. Những hình ảnh khắc sâu trong tim, về khoảnh khắc trong quá khứ, xuyên suốt ở ba quốc gia Việt Nam - Campuchia – Lào. Các khung cảnh sẽ xuất hiện trước mắt bạn như… Ký ức Việt Nam: cận cảnh Đông Dương, con người và truyền thống; mỹ thuật và kiến trúc, Phật giáo, lễ hội và nghi thức tôn giáo. Ký ức Campuchia: Khoa học - Mỹ thuật - Chính trị, Đất - Nước, nghi lễ hoàng cung, nhà sư và chùa chiền, thế giới “tách biệt”, khám phá. Ký ức Lào: tự nhiên và văn hóa, con người và thiên nhiên, lễ hội và truyền thống, thực hành Phật giáo. Tổng hợp tương quan về đa sắc tộc….
“Vốn chú trọng lối tường thuật, các nhà nghiên cứu vào cuối thế kỷ thứ 19 thường thích mang theo bên mình một cuốn sổ ghi chép, mặc dù họ cũng đã quen với những bức vẽ kỹ thuật vốn là những hình ảnh duy nhất được chấp nhận in kèm với các bài tạp chí chuyên ngành. Họ mô tả các chi tiết thông qua những ký họa giản lược khi không thể phó thác việc này cho thợ vẽ phụ tá của Viện. Đây quả là một công việc khó khăn vì để vẽ bằng than cần phải có óc quan sát, hoa tay và đặc biệt là phải có thời gian. Việc sử dụng ảnh giúp vượt qua được những trở ngại này đồng thời thoát khỏi các chuẩn mực gò bó của hội họa để thể hiện thực tế với độ chính xác như mong muốn. Các nhà khảo cổ học và dân tộc học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã rất nhiệt tình ủng hộ và bảo vệ công cụ chụp ảnh mới này vì chuyên ngành mới của họ mang tính kỹ thuật và gắn liền với thực địa (cũng tương tự như các nhà địa lý và địa chất học nhưng với những lý do khác). Ảnh chụp khoảnh khắc cho phép lưu giữ lại một hoạt động, hiện tượng diễn ra trong chốc lát và khôi phục toàn bộ các chi tiết mà mắt thường có thể không ghi nhận kịp. Chẳng hạn như vạt áo bung lên của người H’Mông, một công đoạn khai quật cổ vật bị chôn vùi dưới lòng đất hay một công trình xây dựng của người Chăm có nguy cơ sắp biến mất. Ảnh sao chụp cho phép xếp sang bên cạnh một số chủ đề rồi tiếp tục nghiên cứu nó về sau, quay lại một chi tiết nào đó, so sánh chúng hoặc dùng làm cứ liệu”. - Ký ức Việt Nam - Cận cảnh phương Đông – Viện Viễn Đông Bác cổ pháp ở Việt Nam.
“Ba thập kỷ sau khi chuyển kinh đô từ Oudong về Phnom Penh, Phật viện Hoàng gia, chùa Preah Keo, bắt đầu được xây dựng bên cạnh hoàng cung vào năm 1892. Mối quan hệ giữa vua Norodom và chính quyền thuộc địa ngày càng căng thẳng vì chính quyền thuộc địa luôn tìm cách làm suy yếu quyền lực đế vương. Bức tượng vua cưỡi ngựa được dựng trước chùa Phật Ngọc là điểm nhấn, hình ảnh bảo hộ mới của vương triều, thể hiện đức vua mặc đồ chiến binh Pháp, chào kiểu nhà binh, đầu đội mũ lông vũ hai chỏm. Bức tượng này nổi tiếng vì phần thân được coi là của Napoléon III, chỉ thay thế phần đầu của đức vua. Từ khoảng giao thời giữa hai thế kỷ, hoàng gia có cái nhìn thù địch với chế độ Bảo hộ, vua Norodom là “Napoléon nhiệt đới” đang tiến lên, dưới sự bảo hộ của Preah Keo, để lấy lại tự do đã mất”.- Ký ức Campuchia - Nghi lễ hoàng cung.
“Các bức ảnh là bằng chứng độc đáo làm toát lên cuộc sống êm đềm và giản dị ở Luang Prabang đầu thế kỷ 20. Trong những thập niên hai mươi, ba mươi của thế kỷ 20, các chuyến công tác ở Lào của EFEO rất hiếm khi được thực hiện ngay cả khi Viện vẫn còn rất nổi danh qua những ấn phẩm quan trọng như các nghiên cứu của Charles Robequain (1924-1926) (2), Suzanne Karpelès (1929-1933), Madeleine Colani (từ 1931-1935)(3) và Paul Lévy (1938-1940) hay những cuộc trùng tu của Louis Fombertaux (1929-1935). Những ảnh liệu còn lưu giữ chủ yếu liên quan đến cổ vật thời tiền sử hoặc những chi tiết về kỹ thuật xây dựng. Thời kỳ chuẩn bị và ngay sau đó là thời kỳ độc lập của Lào đi cùng với sự hồi sinh trong hoạt động của EFEO ở nước này. Một trụ sở của Viện được thành lập ở Viêng Chăn năm 1950 và tồn tại đến năm 1966. Henri Deydier (1922-1954) là thành viên phụ trách đầu tiên. Sự ra đi đột ngột do tai nạn khi ông mới 32 tuổi đã chấm dứt nguyện ước của ông trong việc thực hiện một chương trình nghiên cứu táo bạo về tư liệu trong các tỉnh mà ông nhắm đến. Tuy nhiên, ông cũng đã có thời gian để kịp tập hợp một số dữ liệu thú vị về các bộ tộc người miền Bắc nước Lào. Một số lượng nhỏ ảnh liệu chụp vào năm 1953 và 1954 sau này mới được bổ sung vào các ghi chép thực địa của ông. Pierre-Bernard Lafont (1926-2008) người kế vị ông với tư cách là đại diện của EFEO ở vương quốc Lào sau độc lập đã tiếp tục một số nghiên cứu mà Henri Deydier khởi xướng”. - Ký ức Lào - Tự nhiên và văn hóa
-----
Giới thiệu: Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp tại Việt Nam: 120 năm - Một lịch sử đồng hành.
Được thành lập ngày 20 tháng 1 năm 1900 tại Sài Gòn, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) có nhiệm vụ thu thập, thống kê, bảo quản và phân tích các yếu tố văn hóa và di sản của lục địa Á châu. Ngay từ buổi sơ khai, chủ yếu là các trí thức Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng qua việc thực hiện các công trình của EFEO. Vốn thuộc tầng lớp trí thức và có kiến thức sâu rộng, họ đã hỗ trợ tích cực cho các đồng nghiệp người Pháp hiểu được văn hóa Việt Nam, và vì vậy, một cách tự nhiên, họ là những người thầy đầu tiên của một số đồng nghiệp Pháp. Lập trụ sở tại Hà Nội năm 1902, EFEO từ đó đến nay trường tồn cùng với thời gian giữa lòng Hà Nội ở nhiều địa điểm và cơ quan khác nhau: Bảo tàng Finot, nơi lưu giữ những bộ sưu tập của EFEO, được xây dựng năm 1926, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam; Bảo tàng Blanchard de la Brosse nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh v.v.
Ngoài ra còn phải kể đến một thư viện lớn của Viện đã được bàn giao cho Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.