Tác giả: Nguyễn Quang Thọ
Kích thước: 16 x 24 cm
Nhà xuất bản: Tổng hợp TP.HCM
Hình thức bìa: Bìa mềm
Số trang: 384
----------------------
Người Việt Nói Tiếng Việt
Viết xong một quyển sách, đã có thể thở phào nhẹ nhõm rồi chăng? Tất nhiên. Nhưng rồi, lúc ấy còn nghĩ thêm điều gì nữa? Trăm người như một, trăm miệng đều thốt ra một lời: “Đặt nhan đề như thế nào?”. Như thế nào là hiểu theo nghĩa nhan đề ấy phải ấn tượng, hấp dẫn khiến bạn đọc nhìn thấy/ nghe thấy ngay lập tức phải tìm đọc cho bằng được. Vậy mà, nhà báo Nguyễn Quang Thọ - nguyên Tổng Biên tập báo Yêu Trẻ lại cứ như giỡn chơi. Thì đó: “Người Việt nói tiếng Việt”. Thật hay đùa? Thật đó. Đã là người Việt bất kỳ ai cũng nói được tiếng Việt, vậy, có gì trong sách phải khiến ta tò mò, náo nức tìm đọc? Nhầm chết. Nhầm đứt đuôi con nòng nọc rồi đó.
Dám nói một cách quả quyết như dao chém chuối, nói rằng, không phải bất kỳ ai dù người Việt rặt ròng, dù người Việt chính hiệu con nai vàng cũng nói đúng tiếng Việt và hiểu đúng các từ tiếng Việt. Mà, một khi có vài từ tiếng Việt được chọn lọc, vận dụng để trở thành câu tục ngữ, thành ngữ thì muốn hiểu rõ nghĩa của nó lại càng khó hơn bội phần, có lúc khiến ta cũng bí bị bà rì. (Lê Minh Quốc, trích giới thiệu)
Trích dẫn sách Người Việt Nói Tiếng Việt
Để bạn đọc tiện theo dõi
1. Những thành ngữ, tục ngữ chưa có mặt trong từ điển được in đậm và để trong ngoặc kép khi là đề mục; trong bài viết được in đậm và nghiêng, nhưng không để trong ngoặc kép, ví dụ:
“thổi kèn khen lấy”
Thành ngữ thổi kèn khen lấy gần nghĩa với “Mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng không thấy các tác giả đưa vào từ điển.
2. Những thành ngữ, tục ngữ đã được các từ điển thâu nhận, nhưng là chủ đề của bài ghi chép và cần được xem lại được in đậm và để trong ngoặc kép khi là đề mục; trong bài không in đậm, được in nghiêng và để trong ngoặc kép, ví dụ:
“trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”
“Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy” được các tác giả đồng thuận coi là tục ngữ, nhưng cách hiểu có khác nhau.
3. Những cụm từ không có trong từ điển, nhưng được đưa ra để đối chiếu và xem xét, trong bài cũng được in đậm và nghiêng, không để trong ngoặc kép, ví dụ: tào lao mía lau; tào lao bí đao...
4. Các trích dẫn được viết đúng như chúng có mặt trong tài liệu gốc, ví dụ: “Thề cá trê chui ống Chỉ thề, hứa suông mà không làm, không thực hiện. Tôi chẳng tin các anh đâu, thề thốt cũng vậy, thề cá trê chui ống!”
5. Những cụm từ cần nhấn mạnh trong văn cảnh được in nghiêng, nhưng không in đậm, ví dụ: “phải tính đến từng chiếc cúc áo thì cái mũ sắt lại là cả một gánh nặng”.