Hơi thở Nuôi Dưỡng hơi thở Trị Liệu – Tác giả Thích Nhất Hạnh

Hơi thở Nuôi Dưỡng hơi thở Trị Liệu – Tác giả Thích Nhất Hạnh

Hơi thở Nuôi Dưỡng hơi thở Trị Liệu – Tác giả Thích Nhất Hạnh

 

- “Đây là một cuốn sách tuyệt vời với những lời giảng giải uyên thâm, trong sáng, giản dị và thực tiễn, là hơi thở trong lành có công năng nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa thâm tâm. Cuốn sách này mở bày những cánh cửa cho phép một nếp sống tỉnh thức, giác ngộ rất mầu nhiệm” – Jack Kornfield
 

Trích trong sách:
 

- Kinh Quán Niệm Hơi thở là một hệ thống thiền tập rất căn bản của đạo Bụt, là một nghệ thuật vun trồng và điều phục thân tâm tuyệt vời. Do đó Bụt giảng dạy kinh này nhiều lần cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia để nắm vững mà thực tập.
 

- Đức Thế Tôn có dạy: ‘‘Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là đáng để ta đầu tư và thật sự sống mà thôi.’’ Giây phút hiện tại là địa chỉ của Bụt, là Tịnh Độ Hiện Tiền, là Thiên Quốc. Đánh mất hiện tại là đánh mất sự sống.
 

- Thiền đi có thể đem lại cho ta chất liệu an lạc và trị liệu rất lớn. Mỗi bước chân ta tập đi trong chánh niệm. Khi cần di chuyển từ nơi này sang nơi khác, dầu đoạn đường rất ngắn, ta đều đi trong chánh niệm, từng bước chân vững chãi, an lạc và thảnh thơi.
 

- Thông thường mình đánh mất mình trong sự suy tư, dự án, lo lắng và tuyệt vọng. Tiếng chuông là tiếng gọi của đức Thế Tôn gọi mình trở về an trú vững chãi trong hiện tại, trở về với quê hương đích thực. Quê hương đó là giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây.
 

- Mười Sáu Phép Quán Niệm Hơi Thở:
Thân
 Nhận diện hơi thở vào/ ra
 Theo dơi hơi thở dài/ngắn
 Nhận diện sự có mặt của toàn thân
 Buông thư, làm lắng dịu toàn thân
Thọ
 Chế tác niềm vui (hỷ)
 Chế tác hạnh phúc (lạc)
 Nhận diện những cảm thọ
 Làm lắng dịu những cảm thọ
Tâm (tâm ý)
 Nhận diện các tâm ý (tâm hành)
 Làm hoan lạc tâm ý (tâm hành)
 Thu nhiếp tâm ý vào định
 Cởi trói tâm ý được giải thoát, tự do
Pháp (đối tượng của nhận thức- tri giác)
 Quán chiếu về tính vô thường
 Quán chiếu về sự không đáng tham cầu và vướng mắc
 Quán chiếu về niết bàn
 Quán chiếu về sự buông bỏ

 

 

 

- Có được một trái tim đang hoạt động bình thường là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Khi ta nâng niu trái tim với năng lượng chánh niệm, tình thương, thì trái tim của ta sẽ cảm thấy ấm áp trở lại. Bấy lâu nay ta đã không ngó ngàng đến trái tim của ta. Ta đã đối xử không dễ thương với trái tim của ta. Nhẫn nhục Ba la mật nghĩa là không ghét bỏ một ai, không loại trừ một ai, là khả năng ôm lấy tất cả.
 

- Thân và Tâm Tương Tức: Trong các kinh điển của Bụt, ta thấy chữ namarupa- danh sắc thỉnh thoảng được sử dụng để chỉ cho toàn thể con người. Nama nghĩa là ''danh'' và rupa nghĩa ''sắc.'' Ta nghĩ rằng danh và sắc là hai yếu tố khác biệt nhau. Ta cho rằng thân là sắc, còn các cảm thọ, tri giác, tâm hành và các đối tượng tâm hành (thức) là danh. Đây là cách chia chẻ, phân biệt của ta. Ta có khuynh hướng cho rằng danh không phải là sắc và sắc không phải là danh. Ta phải tập nhìn trong ánh sáng của tương tức và vô ngã mới thấy được bản chất chân thực của danh và sắc. Theo ánh sáng của tương tức, vô ngã, hễ lấy danh ra khỏi sắc thì sắc không thể tồn tại được và ngược lại. Namarupa- danh sắc vốn là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Có khi nó biểu hiện như là danh và ta gọi là danh; có khi nó biểu hiện như là sắc và ta gọi là sắc. Vì vậy, thay vì viết hai chữ rời nhau, ta viết thành một chữ là namarupadanh sắc.
 

- Các nhà vật lý học nguyên tử, họ nói rằng hạt có khi biểu hiện như là sóng và có khi biểu hiện như là hạt. Cả hai vốn mang cùng một thực tại. Lúc đầu ta nghĩ rằng nếu là sóng thì không thể là hạt; nếu là hạt thì không thể là sóng. Sự thực là hạt có khi biểu hiện như là sóng và có khi biểu hiện như là hạt. Vì thế các nhà khoa học vật lý đã chế ra một danh từ mới để gọi cái thực tại của nguyên tử mà họ đã khám phá ra là ''wavicle- sóng hạt.'' Điều này cũng đúng đối với thân và tâm. Ta nghĩ rằng tâm và vật trái ngược nhau; nhưng theo ánh sáng tương tức, vô ngã thì tâm có khi biểu hiện như là vật và vật có khi biểu hiện như là tâm. Tâm và vật tương tức, có mặt trong nhau. Điều này mới nghe thì thật khó tin, nhưng đó là sự thật.
 

- Năm Yếu Tố Tạo Nên Một Hiện Hữu: Đức Thế Tôn đã trình bày con người dưới nhiều khía cạnh khác nhau; có khi Ngài trình bày như là danh sắc, có khi Ngài trình bày như là một hợp thể ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm yếu tố tạo nên tổng thể con người. Đó là nền tảng hiện hữu của ta. Yếu tố thứ nhất là sắc; thứ hai là thọ; thứ ba là tưởng (tri giác); thứ tư là hành (tâm hành); và thứ năm là thức. Nếu ta dùng khái niệm danh sắc để phân tích con người, thì yếu tố thứ nhất là thuộc về thân thể và bốn yếu tố còn lại là thuộc về tâm.
 

- Hạnh phúc và niềm vui đến từ sự thực tập buông bỏ, gọi là ly sinh hỷ lạc. Ly là xa lìa, là bỏ lại đằng sau...
 

-Thiền tập không có nghĩa là biến tâm mình thành bãi chiến trường, lấy thiện đánh ác. Lấy cái thiện để chèn ép, tiêu diệt cái ác là một quan niệm tu sai lầm căn bản trong quá trình tu tập. Theo truyền thống tu tập của đạo Bụt, thì không có sự chiến tranh giữa thiện và ác. Thiền tập không phải là để chiến tranh. Những yếu tố tích cực và tiêu cực, thiện và ác, chính và tà đều là những thành phần có tính cách hữu cơ. Nếu khôn khéo trong nghệ thuật ôm ấp và chuyển hóa, ta có thể chuyển những yếu tố tiêu cực thành tích cực.
 

- Thiền không phải chỉ thực tập trong phạm vi thiền đường, chánh điện. Bất cứ lúc nào, ở đâu ta cũng thực tập thiền, nghĩa là lúc nào ta cũng an trú trong chánh niệm. Chánh niệm được ví như ánh sáng mặt trời. Vào lúc sáng sớm, hoa uất kim hương (tulip) vẫn còn úp lại. Khi mặt trời lên, ánh sáng mặt trời được làm bằng những hạt nhỏ gọi là quang tử (photon) chiếu vào nụ hoa, bao trùm lấy nụ hoa và những tia quang tử thâm nhập vào nụ hoa. Nếu ánh sáng mặt trời liên tục chiếu vào nụ hoa thì nụ hoa sẽ từ từ bung ra.
 

- Giáo lý vô tác, vô nguyện trong kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát- Tam Giải Thoát Môn- không, vô tướng, vô tác. Ta thưởng thức trọn vẹn những nhiệm mầu của sự sống, của sự có mặt chân thật và giản dị của 154 | Chương 08: Chuyển Hóa Tận Gốc ta trong giây phút hiện tại. ''Tĩnh lặng- buông bỏ/ mỉm cười'' là những chất liệu có công năng đem lại hạnh phúc chân thực. Hỷ và lạc là hai yếu tố có công năng nuôi dưỡng và trị liệu những vết thương của thân và tâm ta.
 

- Hiểu biết và thương yêu là hai chất liệu có công năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của nội kết, hận thù, khổ đau, tuyệt vọng và phiền não.
 

- ''Thầy tu xây chùa, đúc tượng là việc đáng làm. Đó là Phật sự. Đâu có gì sai trái?'' Nhưng trong trường hợp của ông thầy này, thì trong quá trình xây chùa, thầy đã lo lắng quá nhiều đến nỗi thầy không có thì giờ để thở, để thực tập thiền đi, để uống một ly trà cho thoải mái hoặc để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong giây phút hiện tại... Và như vậy thầy bận rộn suốt ngày đêm... Người tu thiệt là người có tự do, là người không bị ràng buộc bởi những đam mê, danh lợi và vướng bận dù đó là việc xây chùa, đúc tượng.
 

- Hạnh phúc không thể tách rời khỏi khổ đau. Hạnh phúc lớn chỉ có thể tìm thấy từ chất liệu của khổ đau. Nếu ta chưa biết đói khát là gì, thì ta không thể ý thức được có thức ăn để ăn là một hạnh phúc lớn.
 

- ''Cái này có vì cái kia có. Cái này không vì cái kia không. Cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này diệt vì cái kia diệt. Cái này như thế này vì cái kia như thế kia.'' Đó là giáo lý tương tức tương nhập của đạo Bụt.
 

- Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Nếu người thương của ta không có hạnh phúc thì ta không thể hạnh phúc được. Hạnh phúc hay khổ đau đều được tạo ra bởi tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng.
 

- Trong kinh Kim Cương (Vajracchedika Prajnāparamita Sutra), đức Thế Tôn dạy chúng ta buông bỏ những ý niệm về ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả. Ngài dạy rằng nếu ta buông bỏ được bốn ý niệm này thì sẽ chạm tới được niết bàn và ta được giải thoát, tự do ra khỏi những lo âu, ghen tỵ, phiền muộn và sợ hãi.
 

- Sáu Phép Ba La Mật như một đóa hoa gồm có sáu cánh; cái đài ở giữa là tâm hoa, ta viết chữ ''chánh niệm.'' Sáu cánh hoa tượng trưng cho sáu độ hoặc sáu phép tu: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ và bản chất của mỗi cánh hoa là tâm hoa, tức là chánh niệm.
 

- Phòng Thở: Tại nhà, quý vị nên thiết lập một phòng thở tương tự như một thiền đường. Phòng Thở không cần phải lớn. Nhiều căn nhà được thiết kế với đủ các loại phòng- nào là phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng đồ chơi v.v.., nhưng chưa có nhà nào thiết kế phòng thở. Tôi đề nghị mỗi căn nhà nên thiết lập một phòng để mọi người trong gia đình có cơ hội trở về phục hồi lại sự thăng bằng và bình an trong cuộc sống.

Nguồn: Cường Delta - Tủ sách Thạch Sanh

Đang xem: Hơi thở Nuôi Dưỡng hơi thở Trị Liệu – Tác giả Thích Nhất Hạnh

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng