Review sách Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang - Hermann Hesse

Review sách Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang - Hermann Hesse

Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang hay còn được biết với tên Đôi Bạn Chân Tình là tác phẩm của nhà văn Hermann Hesse xuất bản năm 1930. 

 

Sau đây xin trích một số bài review quyển sách này đến bạn đọc.

 

1. Một trong những cuốn sách hay nhất mà tôi đọc trong thời gian gần đây và nói chân thành thì tôi sẵn lòng recommend nó cho những người mà tôi coi là bạn. Đan Thanh và Huyền Minh (như tên gọi trong bản dịch của Phùng Khánh mà tôi được đọc) là đôi bạn, hay chính là hai bản thể trong cùng mỗi con người? Một chọn kiếp sống khổ hạnh, nhắm đến những đỉnh cao tri thức và tinh thần, một chọn đời lang thang, để bản năng dắt lối. Cả hai đều phải đối mặt với nỗi cô đơn, Đan Thanh khỏa lấp những phút giây ấy bằng dục lạc, với niềm hi vọng sẽ tìm được người Mẹ phổ quát, người Mẹ của đức tin, còn Huyền Minh thì ôm trọn nỗi cô đơn ấy từ một tu sĩ thông tuệ bậc nhất tu viện cho tới khi trở thành viện trưởng. Phải đến khi Đan Thanh trở lại, thì cảm nhận về tình yêu thương cho Huyền Minh mới thực sự thức tỉnh (đối ngẫu với hình ảnh mà Huyền Minh đã đánh thức bản năng trong Đan Thanh dạo nọ). Nếu như nghệ thuật đã cứu rỗi linh hồn của Đan Thanh thì chắc chắn tình yêu thương ấy đã cứu rỗi tu viện trưởng Huyền Minh, dưới góc độ một con người.


Hai cách sống, hai cách tư duy tưởng như đối lập và mâu thuẫn nhau ấy, thực ra đều hướng tới cùng một mục đích. Xét cho cùng, con người ta sống không phải vì hai chữ hạnh phúc thôi sao?

Nguyễn - Goodreads

 

2. Cảm thấy bất lực khi diễn tả cảm nghĩ của mình với quyển sách này, vì nó quá choáng ngợp. Dường như bất kể lời kẽ ngợi khen nào dành cho nó đều nhỏ bé và thừa thãi. Mặc dù vậy, vẫn thử ghi lại những cảm nhận của kẻ hậu sanh hèn mọn này với bậc tiền bối có nhiều tác phẩm mà mình yêu quý.

 

Đây là một tác phẩm đồ sộ miêu tả về nghệ thuật, cuộc sống và thân phận con người. Hai nhân vật chính, hai lối sống trái ngược nhau, bổ sung nhau, chính là hai phần con người mà ta có thể nhìn thấy trong bản thân mình. Một bên nghiêm túc, kỷ luật, lý trí, bên còn lại bay bổng, lãng mạng, buông thả. Quyển sách còn đưa ra những nhận định, chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả về công việc sáng tạo, về lối sống của người nghệ sĩ, về sự bất toàn của kiếp sống con người và khát khao vươn lên đến sự hoàn thiện. Là một người đang làm công việc sáng tạo, mình cảm nhận được sự đồng cảm sâu sắc với những tư tưởng của tác giả, đồng thời cũng ngẫm nghĩ suy xét lại con đường sáng tạo của mình, và tiếp cận nó với một góc nhìn mới mẻ và rộng hơn.

 

MUA  SÁCH TẠI ĐÂY

 

Vô tình, sách cực kỳ phù hợp để đọc trong thời hiện đại, khi lối sống xê dịch lang thang bắt đầu lên ngôi trong giới trẻ, vì nhân vật kẻ lang thang là đại diện tiêu biểu của những người lựa chọn sống kiểu này. Mình cho rằng, những người yêu thích phiêu lưu và mong muốn tự do có thể tìm thấy những gì chờ đợi mình phía trước khi đọc tác phẩm này của Hermann Hesse.

Rosie Nguyễn (tác giả sách) -  Goodreads

 

3. Một hành trình tràn đầy những triết lý, suy tưởng và suy niệm được mở ra. Sự dẫn dắt vào những giá trị thiêng liêng của tâm linh đến từ những trang đầu tiên, từ từ biến đổi và thay thế bởi những nhận thức khác vào giữa truyện rồi một lần nữa lại quay trở về và lửng lơ giữa sống và chết, giữa hai bản thể và hai cuộc đời.

 

Tu viện Thánh Ân - nơi mà cả ma thuật lẫn ảo thuật cùng tồn tại trong mắt những học sĩ đã bén duyên cho tình bạn của Huyền Minh và Đan Thanh. Nếu như người phụ giáo thần đồng Huyền Minh được xem là có phong độ hiệp sĩ, luôn có cái nhìn trầm tư, bình thản và sâu sắc thì cậu học trò Đan Thanh lại được cho là sôi nổi, bạo dạn và có phần hiếu chiến. Cả hai đều có những năng khiếu bẩm sinh và tính cách khác biệt nên họ luôn tách biệt với những kẻ khác. Tuổi hoa niên của họ với những nỗ lực khác nhau, kẻ muốn dâng hiến trọn cuộc đời cho nếp sống khổ hạnh của nhà tu, kẻ muốn tìm đến tự do về tâm hồn. Họ không ngừng tranh biện về vấn đề học thuật trong tu viện, về bản chất của nghệ thuật khoa học, về những dị biệt và về con người. Những sự bén nhạy của họ không chỉ thể hiện cá tính riêng mà còn thể hiện cả những định mệnh đang chờ họ phía trước. Sự can thiệp có phần gay gắt của Huyền Minh vào việc dạy dỗ Đan Thanh đã gây ra không ít xích mích giữa họ và nó chỉ chấm dứt khi Huyền Minh thụ giới và tiến đến ước mơ trở thành linh mục. Về phía Đan Thanh, trong một lần thiếp ngủ trên cánh đồng hoang, chàng đã rơi vào bẫy tình và những khoái lạc đầu tiên với người đàn bà đã có chồng. Kể từ giây phút đó, chàng quyết định trốn chạy khỏi tu viện theo tiếng lòng của tình si, thứ tình ảo tưởng bởi những nếm trải "đầu tiên" ấy.

 

Những giây phút ngắn ngủi bên người đàn bà đầu tiên khiến Đan Thanh lầm tưởng rằng mình đã trưởng thành, chàng nguyện trở thành kẻ lang thang không đức tin, không nhà cửa chỉ để thoả mãn câu hỏi "đàn bà là gì?" Chàng sung sướng với suy nghĩ được thuộc về ai đó và được dâng hiến trọn vẹn cho họ. Chàng thầm so sánh những cuộc trò chuyện dông dài với những vị tu sĩ và những trao đổi ít ỏi, vô nghĩa với đàn bà. Bởi vì ở đàn bà, ngôn từ được thay thế bởi sự hoan lạc, thứ ái tình mà ở đó chàng thấy không có chỗ cho tư tưởng, chỉ có sức mạnh của dục vọng. Với bước truỵ lạc đầu tiên ấy, Đan Thanh không còn là cậu học trò nhìn mọi vật qua ô cửa nữa, chàng đã dấn thân vào cuộc sống của kẻ lãng du với những cuộc tình chóng vánh, những cuộc gặp gỡ ngỡ rất đẹp nhưng lại chóng tàn. Sự thèm khát những dư vị lạ lùng đem đến niềm vui sướng lẫn đau khổ và ngộ nhận. Càng đi sâu vào ái tình, sự tò mò được đào sâu vào ham muốn nguyên thuỷ của con người càng mãnh liệt và chàng lạc trong đó thậm chí chỉ là một đêm với một ai đó, không lệ thuộc, không hứa hẹn, không sẻ chia. Ở mỗi người, chàng học được vài điều, nó đến từ một cử chỉ, một nụ hôn, một kiểu ái ân đặc biệt hay chỉ là một sự cự tuyệt.

 

Trên hành trình ái tình ấy, những trải nghiệm ái ân và sự ước ao thèm muốn cũng vơi dần, chàng nhận ra "tự do" mới là điều thân thiết nhất. Hai hình thái của tình yêu : thả lỏng và kiềm thúc trước những bí ẩn và mê lực của đàn bà dẫn chàng đến với nghệ thuật điêu khắc. Ở đó, chàng mong ước được khơi dậy mạch sống tâm linh để chấm dứt những phi lý của cuộc đời. Phóng túng và tự do liệu có phải là những kinh nghiệm sống quý giá không hay chỉ là những phung phí của tuổi thanh xuân? Tình yêu thực sự có vẻ như chỉ dừng lại ở chỗ nó không thể chiếm đoạt được một xác thân cụ thể mà phải là sự tự nguyện của tâm hồn. Và thứ tình cảm trong trắng đó chàng chỉ dành cho cô con gái nhà quý tộc và cô gái Do Thái. Chứng kiến dịch bệnh, giết chóc, đốt phá khắp nơi, Đan Thanh thấy cuộc đời của mình như bị băng hoại. Chàng bị đẩy đến tình huống phải lấy đi hai mạng người để bảo vệ bản thân và cứu mạng người khác, nhưng đó vẫn được tính là tội ác. Nhưng trong một hoàn cảnh khác, chàng lại sẵn sàng tha mạng cho một con dê dù biết nó sẽ là bữa ăn thịnh soạn cho mình. Đấy! thuyết nhị nguyên hiển thị khắp các trang, "mất một cá tính này để đạt một đặc thù khác."

 

Sự ích kỷ của ái tình từ đàn bà đã đẩy Đan Thanh vào chốn xà lim. Ở đó sau hàng chục năm, chàng gặp lại Huyền Minh yêu quý của mình. Người bạn ngày nào đã trở thành tu viện trưởng. Có vẻ như Huyền Minh luôn có mặt vào những giờ phút quan trọng của đời chàng: là thời khắc giáo dục và thời khắc cứu rỗi. Một con người của tâm linh và giáo đường cố gắng thức tỉnh con người của trốn chạy và quên lãng. Chỉ sống với trái tim thời cổ đại mới có thể cứu vớt chút giá trị ít ỏi còn lại. Huyền Minh yêu kính Đấng Tạo Hoá, xem đó là bậc toàn năng nhưng vẫn nhận ra những sinh vật Ngài tạo ra chưa hẳn là toàn diện trong đó có chàng và biết bao điều khác. Chàng chưa thực sự làm tốt trách nhiệm của một tu viện trưởng trong vấn đề tội ác với Do Thái, những điều có vẻ như là tư tưởng lại thuộc về cảm thọ khi chứng kiến cuộc đời toàn nỗi thống khổ. Còn Đan Thanh luôn vội vã trong việc thoả mãn những dục vọng tầm thường như "hái vội những đoá hoa hé nụ giữa lòng địa ngục".

 

Có một tấm lá chắn, một cảnh giới thầm lặng ở giữa ngăn những suy đồi của con người: đó là nghệ thuật. Nghệ thuật mang trong nó một lãnh vực triết học không lời nhưng hiển lộ tâm linh một cách kín đáo và tinh tế. Chính nó đã kìm hãm Đan Thanh khỏi những biến hoại mới và giúp chàng gửi gắm những mong ước, thoả nguyện và cả những tội lỗi của mình vào đó. Chàng về lại tu viện cùng Huyền Minh, chọn điêu khắc quá khứ của mình trong một căn phòng. Từ nghệ thuật mà Đan Thanh tạo ra, Huyền Minh cũng đôi lần hoài nghi và tự xét lại mình. Liệu một cuộc đời không phạm mắc sai lầm hẳn có ý nghĩa chăng? Đức hạnh và thánh thiện cũng sẽ tận diệt như sinh mệnh của con người. Nhưng còn cảm xúc, nó có tận diệt không? Sự đáng giá của một cuộc đời chẳng có tiêu chuẩn nhất định nào cả, phải có những nỗi đau dù dịu nhẹ mới khiến chúng ta bừng tỉnh.

 

Những giờ phút cuối cùng của Đan Thanh là hình ảnh của một con người già nua nhưng đầy thoả mãn với cuộc đời đã từng tự do và thưởng thức tận cùng. Không có những sành sỏi ấy, liệu chàng có giác ngộ và trân quý kiếp người? Huyền Minh một lần nữa lại có mặt trong thời khắc đặc biệt ấy. Hình ảnh nguyên thuỷ và thuần con người nhất trước mọi thống khổ của hành trình sống lẫn giây phút cuối đời là hình ảnh người mẹ. Hermann Hesse đã kết nối và mở ra vùng tâm linh thầm kín trong tâm tư của Đan Thanh như sau: "Không có mẹ ta không biết yêu, không có mẹ ta không biết chết."

 

Những trang sách tuyệt trác của ngôn từ và ẩn dụ. Nhiều dư vị và cảm xúc khi gấp sách lại.

Nguyet Minh - Goodreads

Đang xem: Review sách Nhà Khổ Hạnh Và Gã Lang Thang - Hermann Hesse

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng